Lịch thiên văn tháng 7/2019

0
2100

Lịch thiên văn này chứa thông tin về các sự kiện thiên văn sẽ diễn ra trong năm 2019, bao gồm các pha của Mặt Trăng, các trận mưa sao băng, nhật thực, nguyệt thực, các hành tinh ở vị trí xung đối, sự giao hội của các hành tinh, và các sự kiện thú vị khác.

Hầu hết các sự kiện thiên văn học trong lịch này đều có thể quan sát bằng mắt thường, mặc dù một số có thể cần sự hỗ trợ của một cặp ống nhòm hoặc kính thiên văn. Nhiều sự kiện và thời gian trong lịch này được lấy số liệu từ Đài quan sát Hải quân Mỹ, Trung tâm bay vũ trụ NASA/Goddard, The Old Farmer’s Almanac, SeaSky.org, TimeAndDate.com, và nhiều nguồn uy tín khác. Các sự kiện trong lịch này được sắp xếp theo thứ tự ngày.

Tất cả thời gian sử dụng trong bài viết đã được chuyển đổi sang giờ Việt Nam (UTC+7)

LỊCH THIÊN VĂN THÁNG 7, 2019

Ngày 03 tháng 07 – Trăng mới 

Mặt trăng sẽ nằm ở cùng một phía với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và vì thế sẽ không xuất hiện trên bầu trời đêm. Quá trình này xảy ra lúc 02:16.
Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát những vật thể mờ nhạt như thiên hà và cụm sao vì không bị ánh trăng cản trở.

Ngày 02, 03 tháng 07 – Nhật thực toàn phần

Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng hoàn toàn che khuất Mặt Trời, để lộ vùng khí quyển rực rỡ bên ngoài của Mặt Trời có tên là vành nhật hoa (corona). Lần này, pha toàn phần chỉ có thể quan sát được từ miền nam Thái Bình Dương, miền trung Chile, và miền trung Argentina. Nhật thực một phần sẽ được nhìn thấy ở hầu hết các vùng ở Nam Thái Bình Dương và Tây Nam Mỹ. Ở Việt Nam không thể quan sát lần nhật thực này.

Vành nhật hoa xuất hiện trong lần nhật thực toàn phần tại Unity, Oregon, năm 2018. Tác giả: Nicolas Lefaudeux

Ngày 09 tháng 07 – Sao Thổ ở vị trí xung đối 

Sao Thổ sẽ đến gần với Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn bởi Mặt Trời. Nó sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm và có thể nhìn thấy suốt đêm. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát và chụp ảnh Sao Thổ cùng các vệ tinh. Kính thiên văn cỡ trung bình hoặc lớn hơn cho phép bạn thấy vành đai của Thổ Tinh và một vài vệ tinh sáng nhất của nó.

Kết quả hình ảnh cho saturn through a telescope
Sao Thổ qua kính thiên văn. Nguồn: J.W.Astronomy

Ngày 17 tháng 07 – Trăng tròn 

Mặt trăng sẽ nằm ở phía đối diện với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và phần hướng về Trái Đất của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn. Quá trình này xảy ra lúc 04:38.
Trăng tròn lần này được các bộ lạc bản địa xưa kia ở Mỹ gọi là Trăng Hươu đực (Full Buck Moon) bởi vì các con nai đực bắt đầu thay gạc vào khoảng thời gian này. Ngoài ra, lần trăng tròn này cũng được biết đến với tên gọi Trăng Sấm (Full Thunder Moon) và Trăng Cỏ khô (Full Hay Moon).

Ngày 17 tháng 07 – Nguyệt thực một phần

Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối (penumbra) của Trái Đất, và chỉ một phần của nó đi qua vùng bóng tối (umbra). Ở kiểu nguyệt thực này, một phần Mặt Trăng sẽ tối đi vì đi ngang qua bóng của Trái đất. Nguyệt thực lần này có thể quan sát trên khắp châu Âu, châu Phi, Trung Á và Ấn Độ Dương. Tại Việt Nam có thể quan sát một phần hiện tượng này.

Nguyệt thực một phần chụp ngày 8/8/2017 tại Sydney, Australia. Tác giả: Peter Ward

Chi tiết quá trình nguyệt thực:

• Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 01:43:51
• Nguyệt thực một phần bắt đầu: 03:01:43
• Cực đại nguyệt thực: 04:30:44
• Trăng lặn tại Hà Nội: 05:28
• Nguyệt thực một phần kết thúc: 05:59:39 (không thể quan sát từ Hà Nội)
• Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 07:17:38 (không thể quan sát từ Hà Nội)

Ngày 28, 29 tháng 7 – Mưa sao băng Delta Aquarids

Delta Aquarids là một trận mưa sao băng cỡ trung bình với tần suất khoảng 20 vệt sao băng mỗi giờ tại cực điểm. Các sao băng này được tạo ra từ những mảnh vụn bị bỏ lại bởi sao chổi Marsden và Kracht. Mưa sao băng Delta Aquarids hoạt động từ ngày 12 tháng 07 đến ngày 23 tháng 08 hằng năm. Đỉnh điểm trong năm nay rơi vào đêm ngày 28, rạng sáng ngày 29 tháng 7. Trăng lưỡi liềm cuối tháng không phải là vấn đề lớn trong năm nay. Bầu trời vẫn đủ tối cho một đêm quan sát tuyệt vời. Thời điểm quan sát tốt nhất là sau nửa đêm, từ một nơi tối và thoáng đãng. Các sao băng có xu hướng xuất hiện từ chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể hiện ra ở bất cứ nơi nào trên bầu trời.

Xem lịch thiên văn năm 2019 tại đây: https://thienvanhanoi.org/lich-thien-van-2019/

LỊCH THIÊN VĂN 2019 – HAS

Người dịch: Nhóm kiến thức HAS

  • Mai Nhung
  • Hạnh Ngân (Đá Rêu)
  • Khắc Hải (Hải Tan)
  • Diệu Linh
  • Tiến Nguyễn
  • Công Thắng

Tài liệu tham khảo: Seasky, Timeanddate, Eclipse.gsfc.nasa, phần mềm Stellarium

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here