Lịch thiên văn này chứa thông tin về các sự kiện thiên văn sẽ diễn ra trong năm 2019, bao gồm các pha của Mặt Trăng, các trận mưa sao băng, nhật thực, nguyệt thực, các hành tinh ở vị trí xung đối, sự giao hội của các hành tinh, và các sự kiện thú vị khác.
Hầu hết các sự kiện thiên văn học trong lịch này đều có thể quan sát bằng mắt thường, mặc dù một số có thể cần sự hỗ trợ của một cặp ống nhòm hoặc kính thiên văn. Nhiều sự kiện và thời gian trong lịch này được lấy số liệu từ Đài quan sát Hải quân Mỹ, Trung tâm bay vũ trụ NASA/Goddard, The Old Farmer’s Almanac, SeaSky.org, TimeAndDate.com, và nhiều nguồn uy tín khác. Các sự kiện trong lịch này được sắp xếp theo thứ tự ngày.
Thời gian trong bài viết đã được quy đổi ra giờ Việt Nam (UTC+7)
LỊCH THIÊN VĂN THÁNG 8, 2019
Ngày 01 tháng 08 – Trăng mới
Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm. Quá trình này xảy ra lúc 10:12.
Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.
Ngày 09 tháng 08 – Sao Thủy ở vị trí ly giác cực đại phía Tây
Hành tinh này sẽ đạt ly giác cực đại phía Tây khi cách Mặt Trời 19 độ. Đây là thời điểm tốt để quan sát Sao Thủy khi mà nó sẽ xuất hiện ở vị trí cao nhất trên đường chân trời buổi sáng sớm. Hãy quan sát hành tinh này sát chân trời phía Đông ngay trước khi Mặt Trời mọc.
Ngày 12, 13 tháng 08 – Mưa sao băng Perseids
Mưa sao băng Perseids là một trong những trận mưa sao băng tuyệt vời nhất, với tần suất lên đến 60 vệt mỗi giờ lúc cực điểm. Các sao băng Perseids có nguồn gốc từ bụi của sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện năm 1862. Mưa sao băng Perseids nổi tiếng vì sản sinh ra số lượng lớn các sao băng sáng. Perseids diễn ra hàng năm từ ngày 17 tháng 07 đến ngày 24 tháng 08.
Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 12 và rạng sáng ngày 13 tháng 08. Trăng gần tròn sẽ chặn mất nhiều sao băng mờ, nhưng các sao băng Perseids rất nhiều và sáng nên hứa hẹn đây vẫn là một trận mưa sao băng thú vị. Nơi quan sát tốt nhất là ở khu vực tối, từ sau nửa đêm. Các sao băng có xu hướng xuất hiện từ chòm sao Perseus (Anh Tiên), nhưng có thể sẽ hiện ra ở bất cứ nơi nào trên bầu trời.
Ngày 15 tháng 08 – Trăng tròn
Mặt Trăng sẽ nằm ở đối diện với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất, và phần hướng về Trái Đất của nó sẽ được chiếu sáng toàn bộ. Quá trình này xảy ra vào lúc 19:30.
Trăng tròn lần này còn được các bộ lạc bản địa xưa kia ở Mỹ gọi là Trăng Cá Tầm (Full Sturgeon Moon) bởi đây là thời điểm mà những con cá Tầm ở Great Lakes (Ngũ đại hồ) và các hồ khác dễ bị bắt hơn. Trăng lần này còn được gọi là Trăng Ngô xanh (Green Corn Moon) hoặc Trăng Hạt (Grain Moon).
Ngày 30 tháng 08 – Trăng mới
Mặt trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm. Quá trình này sẽ diễn ra vào lúc 17:37.
Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các thiên thể mờ như các thiên hà và các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.
Xem lịch thiên văn năm 2019 tại đây: https://thienvanhanoi.org/lich-thien-van-2019/
LỊCH THIÊN VĂN 2019 – HAS
Người dịch: Nhóm kiến thức HAS
- Mai Nhung
- Hạnh Ngân (Đá Rêu)
- Khắc Hải (Hải Tan)
- Diệu Linh
- Tiến Nguyễn
- Công Thắng
Tài liệu tham khảo: Seasky, Timeanddate, Eclipse.gsfc.nasa, phần mềm Stellarium