Lịch thiên văn này chứa thông tin về các sự kiện thiên văn sẽ diễn ra trong năm 2019, bao gồm các pha của Mặt Trăng, các trận mưa sao băng, nhật thực, nguyệt thực, các hành tinh ở vị trí xung đối, sự giao hội của các hành tinh, và các sự kiện thú vị khác.
Hầu hết các sự kiện thiên văn học trong lịch này đều có thể quan sát bằng mắt thường, mặc dù một số có thể cần sự hỗ trợ của một cặp ống nhòm hoặc kính thiên văn. Nhiều sự kiện và thời gian trong lịch này được lấy số liệu từ Đài quan sát Hải quân Mỹ, Trung tâm bay vũ trụ NASA/Goddard, The Old Farmer’s Almanac, SeaSky.org, TimeAndDate.com, và nhiều nguồn uy tín khác. Các sự kiện trong lịch này được sắp xếp theo thứ tự ngày.
Thời gian sử dụng trong bài viết đã được quy đổi ra giờ Việt Nam (UTC+7)
LỊCH THIÊN VĂN THÁNG 5, 2019
Ngày 05 tháng 05 – Trăng mới.
Mặt Trăng xuất hiện cùng phía với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và không hiện diện trên bầu trời đêm. Quá trình này sẽ diễn ra vào lúc 05:46.
Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà và các cụm sao bởi vì không có sự lấn át của ánh trăng.
Ngày 06, 07 tháng 05 – Mưa sao băng Eta Aquarids.
Eta Aquarids là một trận mưa sao băng trên trung bình, với tần suất khoảng 60 vệt sao băng mỗi giờ tại cực điểm. Phần lớn sao băng được nhìn thấy ở bán cầu Nam. Tại bán cầu Bắc, tần suất này chỉ ở khoảng 30 vệt sao băng mỗi giờ. Trận mưa sao băng này bắt nguồn từ tàn dư bụi để lại của sao chổi Halley, được phát hiện và quan sát từ thời cổ đại. Mưa sao băng Eta Aquarids diễn ra hằng năm, từ ngày 19 tháng 04 đến ngày 28 tháng 05.
Cực đại năm nay diễn ra vào đêm ngày 06 rạng sáng ngày 07 tháng 05. Trăng non sẽ lặn lúc chập tối, để lại bầu trời thuận lợi cho việc quan sát trận mưa sao băng này. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm, tại khu vực tối và thoáng đãng. Sao băng có xu hướng xuất hiện từ phía chòm sao Aquarius (Bảo Bình), nhưng cũng có thể hiện ra từ bất cứ nơi nào trên bầu trời.
Ngày 19 tháng 05 – Trăng tròn, Trăng Xanh.
Mặt Trăng sẽ ở vị trí đối diện với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và phần hướng về Trái Đất của nó được chiếu sáng toàn bộ. Quá trình này diễn ra vào lúc 04:11.
Lần Trăng tròn này còn được những bộ lạc bản địa xưa kia ở Mỹ gọi là (Flower Moon) Trăng Hoa vì đây là thời điểm các loài hoa mùa xuân nở rộ. Ở một số nơi còn gọi là Trăng Trồng ngô (Corn Planting Moon) và Trăng Sữa (Milk Moon) .
Vì đây là lần Trăng tròn thứ ba trong bốn lần trăng tròn của một mùa nên nó còn được gọi là Trăng Xanh. Bình thường chỉ có ba lần trăng tròn mỗi mùa, nhưng vì mỗi lần trăng tròn xảy ra cứ sau mỗi 29,53 ngày nên đôi khi mỗi mùa sẽ có bốn lần trăng tròn. Lần Trăng tròn được cộng thêm trong một mùa này được gọi là “trăng xanh“. Trăng xanh xảy ra trung bình khoảng 2,7 năm một lần.
Xem lịch thiên văn năm 2019 tại đây: https://thienvanhanoi.org/lich-thien-van-2019/
Biên soạn: Nhóm kiến thức HAS
- Mai Nhung
- Hạnh Ngân (Đá Rêu)
- Khắc Hải (Hải Tan)
- Diệu Linh
- Tiến Nguyễn
- Công Thắng
Tài liệu tham khảo: Seasky, Timeanddate, Eclipse.gsfc.nasa, phần mềm Stellarium