Siêu trăng – đồn đại và sự thật

0
3355
Siêu trăng và tượng Nữ thần Tự do, New York, Hoa Kỳ, vào năm 2015. Tác giả: Gary Hershorn/Corbis
Trong vài năm gần đây, cái tên “siêu trăng” xuất hiện rất thường xuyên trên báo chí, khiến không ít người tưởng rằng đây là hiện tượng cực kì hấp dẫn. Tuy nhiên, thực tế không hẳn là như vậy. Hãy cùng tìm hiểu xem hiện tượng này thực chất là gì, và xem xét những câu hỏi thường gặp nhất về nó.

Siêu trăng là gì?

Siêu trăng là trăng tròn hoặc trăng mới tại điểm cận địa (perigee, vị trí gần với Trái Đất nhất trên quỹ đạo của một vật thể quay quanh Trái Đất, trong trường hợp này Mặt trăng), hoặc trong khoảng 90% khoảng cách của điểm cận địa với Trái Đất.

Hiện nay, vẫn chưa có quy ước thống nhất về thế nào là “trong khoảng 90%”, một số nguồn lấy con số 359 000 km, một số lấy 360 000 km, và bài viết này sẽ sử dụng con số được chính tác giả của thuật ngữ này tính toán ra: 361 554,9 km. Điều này có nghĩa nếu một lần trăng tròn hoặc trăng non cách Trái Đất tối thiểu bằng con số này, nó sẽ được xem là siêu trăng.

Khi nhìn từ Trái Đất, Mặt trăng tròn tại điểm cận địa sẽ có đường kính biểu kiến lớn hơn so với trăng lúc thông thường.

Image result for apogee and perigee
Quỹ đạo Mặt trăng quanh Trái Đất có hình elip, vì thế sẽ có những lúc Mặt Trăng đến điểm cận địa (perigee), hoặc điểm viễn địa (apogee). Nguồn: The Lined Wolf

Trăng mới tại điểm cận địa không thể quan sát được vì hiện tượng này xảy ra vào ban ngày, mặc dù các nhà chiêm tinh phân loại nó là siêu trăng và có thể có giá trị cho những ai quan tâm đến các dấu hiệu Hoàng đạo, nhưng với các nhà thiên văn thì hiện tượng này không có giá trị nhiều vì nó không quan sát được.


Cái tên “siêu trăng” đến từ đâu?

Thuật ngữ “siêu trăng” (supermoon) không thuộc về thiên văn học mà nó bắt nguồn từ chiêm tinh học bởi một nhà chiêm tinh có tên là Richard Nolle – người đầu tiên đặt ra từ “siêu trăng” và định nghĩa cả trăng tròn và trăng mới là siêu trăng khi Mặt trăng nằm tại điểm cận địa hoặc gần (90%) vị trí cận địa.

Siêu trăng tại Novogrudok, Belarus, năm 2015. Tác giả: Sergei Grits/AP

Thuật ngữ “siêu trăng” thường không được sử dụng trong thiên văn học, mà thay vào đó, các nhà khoa học gọi đó là “sự thẳng hàng của hệ Trái Đất – Mặt Trăng – Mặt Trời tại điểm cận địa” (perigee-syzygy) hoặc “Trăng tròn/Trăng mới tại điểm cận địa”.

Tuy nhiên, với sự phát triển của truyền thông, xã hội, thuật ngữ “siêu trăng” đã trở nên phổ biến và được nhiều người sử dụng. Rõ ràng việc nói “siêu trăng” dễ dàng hơn là sử dụng thuật ngữ khoa học khó hiểu như “sự thẳng hàng của hệ Trái Đất – Mặt Trăng – Mặt Trời tại điểm cận địa”. Vì vậy không có gì là lạ khi thuật ngữ “siêu trăng” lại trở nên phổ biến.


Siêu trăng lớn hơn và sáng hơn bao nhiêu so với trăng tròn bình thường?

Mặt trăng tròn tại điểm cận địa, hay siêu trăng lớn hơn khoảng 14% và sáng hơn khoảng 30% so với trăng tròn tại điểm viễn địa (điểm xa nhất). Siêu trăng so với trăng tròn trung bình chỉ lớn hơn khoảng 7% và sáng hơn khoảng 16%.

Related image
So sánh kích thước trăng tròn tại cận địa (Perigee), viễn địa (Apogee). Nguồn: EarthSky

Khi xuất hiện trên báo chí, bạn có thể nghe một vài nguồn thông tin phóng đại về kích thước và độ sáng của siêu trăng. Mặc dù chúng tôi khuyến khích bạn quan sát Mặt trăng, thiên thực và các hiện tượng thiên văn khác, nhưng cũng phải nói rằng siêu trăng trên bầu trời trông không khác gì nhiều với những dịp trăng tròn khác.


Mỗi năm có bao nhiêu lần siêu trăng?

Mỗi năm có 12-13 lần trăng tròn (hoặc trăng non), và trong số đó thường sẽ có 3-4 lần được coi là siêu trăng.

Lần siêu trăng vào ngày 14/11/2016 được coi là siêu trăng tròn gần Trái Đất nhất kể từ năm 1948, và phải đến ngày 25/11/2034 thì kỉ lục này mới bị phá bởi một siêu trăng khác. Siêu trăng tròn gần Trái Đất nhất trong thế kỉ 21 sẽ xảy ra vào 6/12/2052.

Siêu trăng ngày 31/01/2018 xảy ra trùng với Nguyệt thực toàn phần. Tác giả: Sergio Garcia Rill

Thi thoảng siêu trăng sẽ xảy ra trùng với nguyệt thực toàn phần. Lần gần đây nhất là vào tháng 1 năm 2018, và lần tới sẽ vào tháng 1 năm 2019 (không thấy được ở Việt Nam).

Siêu trăng ảnh hưởng thủy triều trên Trái Đất?

Ảnh hưởng của Mặt trời và Mặt trăng đến các đại dương trên Trái Đất lớn nhất khi đó là ngày trăng tròn hoặc trăng mới. Lực thủy triều tác động bởi siêu trăng tại điểm cận địa lên các đại dương sẽ mạnh hơn một chút so với dịp trăng tròn hay trăng mới bình thường, nhưng vì trọng lực tương đối yếu, cho nên chỉ khiến thủy triều dâng thêm từ 2 đến 5 cm.

Tác giả: Robin Ohia via Flickr

Siêu trăng có liên quan đến các thảm họa tự nhiên?

Bạn cũng có thể nghe thấy những tin tức cường điệu là siêu trăng có thể tăng nguy cơ xảy ra các hiện tượng như động đất, phun trào núi lửa, hay sóng thần. Nhưng thực tế không có bất kì bằng chứng nào khẳng định rằng siêu trăng góp phần gây ra những hiện tượng đó.

lesniak irpt supermoon
Siêu trăng năm 2014 tại Los Angeles. Tác giả: Andy Lesniak

Suy đoán về mối liên hệ này khởi nguồn khi giới truyền thông lấy dẫn chứng về động đất và sóng thần ở Ấn Độ Dương năm 2004; động đất và sóng thần năm 2011 tại Tōhoku, Nhật Bản; và động đất 7,5 độ Richter cách Culverden, New Zealand khoảng 15 km về phía đông bắc vào ngày 14/11/2016. Từy nhiên không thảm hoạ nào được chứng minh một cách khoa học là có liên quan đến siêu trăng.


Tại sao siêu trăng nhìn vẫn… bé?

Siêu trăng khá là bình thường. Cái tên gọi “siêu trăng” chỉ là trăng tròn tại điểm cận địa. Bất kỳ trăng tròn nào nằm thấp ngay phía trên đường chân trời cũng đều ấn tượng, nhưng khi đã lên cao trên bầu trời, xét về kích thước, sẽ không dễ để bạn thấy sự khác biệt với trăng tròn tại điểm viễn địa.

Kết quả hình ảnh cho moon rises
Mặt Trăng lúc mọc nhìn lớn hơn so với khi nó ở cao trên bầu trời, một phần bởi vì khi ở gần đường chân trời, bạn sẽ tự so sánh nó với nhà cửa, núi non. Nguồn: CNN

Có thể rất ấn tượng khi Mặt trăng được nhìn thấy gần đường chân trời, và rất đáng để ra ngoài trời chiêm ngưỡng. Tuy nhiên, khi Mặt trăng ở trên cao, không có bất kì tòa nhà, cây cối, đồi núi nào để đối chiếu, và vì thế kích thước biểu kiến của nó trông không khác mấy so với trăng tròn bình thường. Sự khác biệt về kích thước biểu kiến của nó so với trăng tròn bình thường là không đáng kể và khó phát hiện hơn nhiều.

Lời kết: Khác xa vớì những đồn đại trên báo chí, Siêu trăng chỉ là một hiện tượng bình thường, không có gì quá khác biệt. Nhắc đến hiện tượng này, chúng tôi không mong muốn gì hơn là bạn đọc hãy nhân dịp này mà dành chút thời gian để thư thái ngắm nhìn MẶT TRĂNG, để không quên một vẻ đẹp của tự nhiên.

SIÊU TRĂNG TRONG NĂM 2019

Trong năm 2019 có ba lần siêu trăng tròn:

Ngày 21/01/2019, Mặt Trăng cách Trái Đất 357 715 km

Ngày 19/02/2019, Mặt Trăng cách Trái Đất 356 846 km

Ngày 21/03/2019, Mặt Trăng cách Trái Đất 360 772 km

Đọc thêm: Làm thế nào để có bức ảnh Siêu trăng ấn tượng?

Diệu Linh – Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS)

 Lược dịch từ: Eclipsegeeks & Earthsky

 

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here