Lịch thiên văn này chứa thông tin về các sự kiện thiên văn sẽ diễn ra trong năm 2019, bao gồm các pha của Mặt Trăng, các trận mưa sao băng, nhật thực, nguyệt thực, các hành tinh ở vị trí xung đối, sự giao hội của các hành tinh, và các sự kiện thú vị khác.
Hầu hết các sự kiện thiên văn học trong lịch này đều có thể quan sát bằng mắt thường, mặc dù một số có thể cần sự hỗ trợ của một cặp ống nhòm hoặc kính thiên văn. Nhiều sự kiện và thời gian trong lịch này được lấy số liệu từ Đài quan sát Hải quân Mỹ, Trung tâm bay vũ trụ NASA/Goddard, The Old Farmer’s Almanac, SeaSky.org, TimeAndDate.com, và nhiều nguồn uy tín khác. Các sự kiện trong lịch này được sắp xếp theo thứ tự ngày.
Thời gian sử dụng trong bài viết đã được quy đổi ra giờ Việt Nam (UTC+7)
LỊCH THIÊN VĂN THÁNG 12, 2019
Ngày 12 tháng 12 – Trăng tròn
Mặt Trăng sẽ xuất hiện ở phía đối diện với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và phần hướng về Trái Đất của nó sẽ được chiếu sáng toàn bộ. Quá trình này diễn ra lúc 12:14.
Lần trăng tròn này được các bộ lạc bản địa xưa kia ở Mỹ gọi là Trăng Lạnh (Full Cold Moon), bởi vì đây là khoảng thời gian không khí lạnh giá của mùa đông tràn về và ban đêm trở nên tối tăm, kéo dài đằng đẵng. Trăng tròn này còn được gọi là Trăng Đêm dài (Full Long Nights Moon) và Trăng trước lễ Yule (Moon Before Yule), lễ hội mùa đông ở Bắc Âu trước đây, ngày nay được đồng nhất với lễ Giáng sinh.
Ngày 13,14 tháng 12 – Mưa sao băng Geminids
Geminids là vua của các trận mưa sao băng trong năm. Nhiều người coi đó là mưa sao băng tuyệt vời nhất bởi có tần suất lên tới 120 vệt sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Các sao băng này có nguồn gốc từ bụi còn sót lại của thiên thạch 3200 Phaethon, phát hiện vào năm 1982. Mưa sao băng Geminids xuất hiện từ ngày 7 đến 17 tháng 12 hằng năm.
Cực đại năm nay rơi vào đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng 12. Dù không may là năm nay trăng gần tròn sẽ che mất nhiều sao băng, nhưng vì mưa sao băng Geminids rất sáng và có số lượng lớn, cho nên nó vẫn hứa hẹn một màn trình diễn tuyệt vời. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm, từ nơi tối và thoáng đãng. Các sao băng có xu hướng xuất hiện từ chòm sao Gemini (Song Tử), nhưng vẫn có thể hiện ra từ bất cứ đâu trên bầu trời.
Ngày 22 tháng 12 – Đông chí
Đông chí năm nay xảy ra vào lúc 11:19. Cực Nam của Trái Đất sẽ hướng về phía Mặt Trời, đồng thời Mặt Trời đạt đến vị trí xa nhất về phía nam trên bầu trời, và chiếu sáng ngay trên chí tuyến Nam (vĩ tuyến 23.44 độ ở bán cầu Nam). Đây là ngày đầu tiên của mùa đông ở bán cầu Bắc và là ngày đầu tiên của mùa hè ở bán cầu Nam.
Ngày 21, 22 tháng 22 – Mưa sao băng Ursids
Ursids là mưa sao băng nhỏ với tần suất chỉ đạt khoảng 5-10 vệt sao băng mỗi giờ. Các sao băng này có nguồn gốc từ bụi sót lại của sao chổi Tuttle, phát hiện vào năm 1790. Mưa sao băng Ursids xuất hiện từ ngày 17 đến 25 tháng 12 hằng năm.
Năm nay, nó sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 21, rạng sáng ngày 22. Trăng lưỡi liềm cuối tháng sẽ không ảnh hưởng nhiều đến buổi quan sát. Thời gian quan sát tốt nhất là ngay sau nửa đêm, từ nơi tối, xa khỏi ánh đèn đô thị. Các sao băng có xu hướng xuất hiện từ chòm sao Ursa Minor (Tiểu Hùng), nhưng cũng có thể hiện ra từ bất cứ đâu trên bầu trời.
Ngày 26 tháng 12 – Trăng mới
Mặt Trăng sẽ xuất hiện cùng phía với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm. Quá trình này diễn ra lúc 12:15.
Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các thiên thể mờ như thiên hà và cụm sao bởi vì không có sự cản trở của ánh trăng.
Ngày 26 tháng 12 – Nhật thực hình khuyên
Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng cách Trái Đất quá xa nên không thể che hết Mặt Trời. Kết quả là xuất hiện một vòng sáng bao quanh bóng tối của Mặt Trăng. Lần nhật thực này bắt đầu từ Ả rập Xê út, rồi di chuyển sang phía đông qua Bắc Ấn Độ, Nam Sri Lanka, một số nơi trên Ấn Độ Dương, Indonesia và kết thúc tại vùng Thái Bình Dương. Pha một phần có thể quan sát được tại hầu khắp châu Á và Bắc Australia.
Ở Việt Nam chỉ có thể quan sát được pha một phần.
Thông tin chi tiết:
• Nhật thực một phần bắt đầu: 09:29:53
• Nhật thực hình khuyên bắt đầu: 10:34:33
• Cực đại của nhật thực: 12:17:46
• Nhật thực hình khuyên kết thúc: 14:00:55
• Nhật thực một phần kết thúc: 15:05:40
Tại Hà Nội
• Nhật thực một phần bắt đầu: 10:44:30
• Cực đại của nhật thực một phần, Mặt Trăng che phủ 35.94% Mặt Trời: 12:24:24
• Nhật thực một phần kết thúc: 14:01:34
Xem lịch thiên văn năm 2019 tại đây: https://thienvanhanoi.org/lich-thien-van-2019/
LỊCH THIÊN VĂN 2019 – HAS
Người dịch: Nhóm kiến thức HAS
- Mai Nhung
- Hạnh Ngân (Đá Rêu)
- Khắc Hải (Hải Tan)
- Diệu Linh
- Tiến Nguyễn
- Công Thắng
Tài liệu tham khảo: Seasky, Timeanddate, Eclipse.gsfc.nasa, phần mềm Stellarium