Lịch thiên văn này chứa thông tin về các sự kiện thiên văn sẽ diễn ra trong năm 2019, bao gồm các pha của Mặt Trăng, các trận mưa sao băng, nhật thực, nguyệt thực, các hành tinh ở vị trí xung đối, sự giao hội của các hành tinh, và các sự kiện thú vị khác.
Hầu hết các sự kiện thiên văn học trong lịch này đều có thể quan sát bằng mắt thường, mặc dù một số có thể cần sự hỗ trợ của một cặp ống nhòm hoặc kính thiên văn. Nhiều sự kiện và thời gian trong lịch này được lấy số liệu từ Đài quan sát Hải quân Mỹ, Trung tâm bay vũ trụ NASA/Goddard, The Old Farmer’s Almanac, SeaSky.org, TimeAndDate.com, và nhiều nguồn uy tín khác. Các sự kiện trong lịch này được sắp xếp theo thứ tự ngày.
Thời gian sử dụng trong bài viết đã được quy đổi ra giờ Việt Nam (UTC+7)
LỊCH THIÊN VĂN THÁNG 2, 2019
Ngày 05 tháng 02: Trăng mới
Mặt Trăng sẽ ở cùng phía với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất, vì thế sẽ không thể quan sát trên bầu trời đêm. Quá trình này xảy ra lúc 04:03.
Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ như các thiên hà hay cụm sao vì không có sự ảnh hưởng của ánh Trăng.
Ngày 19 tháng 02: Trăng tròn, Siêu trăng
Mặt Trăng sẽ ở vị trí đối diện với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất, và phần hướng về Trái Đất của nó được chiếu sáng toàn bộ. Quá trình diễn ra vào 22:53.
Lần trăng tròn này được các bộ lạc bản địa xưa kia ở Mỹ gọi là Full Snow Moon (Trăng Tuyết), bởi đây là thời gian tuyết rơi nhiều nhất trong năm. Vì thời tiết khắc nghiệt khiến cho việc săn bắt trở nên khó khăn, một số bộ lạc còn nhắc đến dịp trăng tròn này với cái tên Full Hunger Moon (Trăng Đói).
Đây cũng là Siêu trăng lần thứ hai trong số tất cả ba lần Siêu trăng của năm 2019. Mặt Trăng sẽ tiến gần đến Trái Đất nhất, khi quan sát sẽ thấy lớn hơn và sáng hơn một so với bình thường.
Ngày 27 tháng 02: Sao Thủy ở vị trí ly giác phía đông cực đại.
Hành tinh này sẽ đạt ly giác cực đại phía Đông khi cách Mặt Trời 18,1 độ. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát Sao Thủy khi nó ở vị trí cao nhất phía trên đường chân trời vào buổi tối. Hãy tìm kiếm hành tinh này ở sát chân trời trời phía Tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.
Xem lịch thiên văn năm 2019 tại đây: https://thienvanhanoi.org/lich-thien-van-2019/
LỊCH THIÊN VĂN 2019 – HAS
Người dịch: Nhóm kiến thức HAS
- Mai Nhung
- Hạnh Ngân (Đá Rêu)
- Khắc Hải (Hải Tan)
- Diệu Linh
- Tiến Nguyễn
- Công Thắng
Tài liệu tham khảo: Seasky, Timeanddate, Eclipse.gsfc.nasa, phần mềm Stellarium