Các nhà thiên văn học chuyên nghiệp phải làm những công việc gì?

0
2259
Nhà khoa học Heather Knutson đang làm việc tại phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ California. Ảnh: Nasa.gov

Bạn quá quen thuộc với hình ảnh một người say sưa quan sát qua chiếc kính thiên văn, và bạn nghĩ đó là công việc mà các nhà thiên văn học phải làm. Không, đã xưa rồi cái thời các nhà thiên văn học phải thức đêm điều chỉnh chiếc kính khổng lồ phục vụ quan sát.
Nếu vậy thì các nhà thiên văn hiện đại làm những công việc gì ?

LÀM VIỆC Ở VĂN PHÒNG VÀ PHÒNG THÍ NGHIỆM

Đó là các công việc quản lí tại cơ quan tổ chức nơi họ đang công tác, từ việc phân tích dữ liệu cho tới thử nghiệm các mô hình trị số, hoặc các lý thuyết khoa học, và còn rất nhiều thứ khác. Dù việc gì thì hiện nay các nhà thiên văn đều phải dành phần lớn thời gian làm việc trước màn hình máy tính.Thành thạo công nghệ thông tin, đặc biệt mảng lập trình là một yêu cầu tối quan trọng đối với một nhà thiên văn học hiện nay.

Astronomy & Astrophysics Research Lab
Các nhà thiên văn làm việc tại Phòng thí nghiệm Thiên văn & Vật lý thiên văn, thuộc Bảo tàng Khoa học tự nhiên Bắc Carolina. Ảnh: naturalsciences.org

ĐI DỰ HỘI NGHỊ, HỘI THẢO

Nếu bạn là người ưa đi lại, thiên văn học là một nghề thích hợp cho bạn. Các nhà thiên văn thường phải tới nhiều hội nghị được tổ chức ở khắp nơi trên thế giới. Ví dụ, hằng năm đều có nhiều cuộc họp của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ (AAS) và Ủy ban Thiên văn Quốc tế (IAU) diễn ra ở nhiều địa điểm khác nhau. Thông thường một nhà thiên văn chuyên nghiệp sẽ phải tham gia ít nhất vài hội nghị như vậy mỗi năm.

Secretariat | IAU100:Under One Sky
Một hội nghị của IAU. Ảnh: IAU

Số lượng và thời gian các chuyến công tác thường phụ thuộc vào số tiền do đơn vị mà nhà thiên văn học đang công tác tài trợ. Tại các cuộc gặp gỡ như vậy, các nhà thiên văn thường trình bày về nghiên cứu của họ trước hội đồng, đồng thời đây cũng là một cơ hội tốt để giao lưu với các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới và tìm hiểu về các lĩnh vực mà họ đang quan tâm. Hầu hết các trường đại học có ngành thiên văn đều tổ chức các cuộc hội thảo đều đặn hàng tuần, nơi các nhà khoa học từ nhiều trường đại học khác sẽ tới để thảo luận về các vấn đề thiên văn.

THAM GIA GIẢNG DẠY

Nhiều các nhà thiên văn chuyên nghiệp tham gia giảng dạy bộ môn vật lý và thiên văn học tại các trường đại học.Thời gian dành cho công việc này tùy thuộc vào mỗi người, đối với một số giảng dạy sẽ là công việc chính của họ.

Classroom full of students with a man dancing in front.
Giáo sư vật lý thiên văn Neil Tyson trong một buổi giảng dạy tại Đại học Iowa. Ảnh: ow.uiowa.edu

ĐỌC & CẬP NHẬT TIN TỨC

Nhà thiên văn học cần phải dành đáng kể thời gian để đọc, tìm hiểu các đề tài mới hoặc cập nhật những bước phát triển mới nhất trong ngành thiên văn học. Có nhiều đơn vị xuất bản khác nhau như Astrophysical Journal, nơi nhà thiên văn cần liên tục cập nhật những nghiên cứu và tin tức mới nhất. Nhiều nhà thiên văn bắt đầu ngày làm việc bằng việc đọc những bài viết mới nhất được đăng tại arXiv, một kho lưu trữ các bài báo khoa học.

VIẾT SÁCH BÁO

Các nhà thiên văn cũng phải dành nhiều thời gian để viết báo và các công trình nghiên cứu, với mục đích trình bày, chia sẻ các dự án và kết quả nghiên cứu. Chính vì thế, kĩ năng viết tốt là một điều cần thiết bởi giúp nhà thiên văn diễn đạt ý kiến rõ ràng, dễ hiểu hơn với độc giả.
Ngoài ra, họ cũng phải thảo ra các dự án để có thể nhận khoản tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau nhằm phục vụ cho công việc nghiên cứu, đồng thời soạn thảo các đề án quan sát để nhận được sự cho phép sử dụng các loại kính thiên văn và các trang thiết bị cho nghiên cứu sâu hơn.
Nhiều nhà thiên văn học nổi tiếng thường viết nhiều tác phẩm phổ biến khoa học, và trở thành các cuốn sách bán chạy hàng đầu thế giới, tiêu biểu là các cuốn sách của Stephen Hawking, Michio Kaku hay Neil Tyson.

43 Best Astronomy Books
Một số đầu sách thiên văn vũ trụ phổ biến hiện nay. Ảnh: Read this twice

QUAN SÁT THIÊN VĂN

Các nhà thiên văn thường tới nhiều đài quan sát khác nhau để thực hiện nghiên cứu. Những đài này tọa lạc ở khắp mọi nơi trên thế giới, từ Puerto Rico đến Hawaii, châu Âu, châu Úc, Chile và ngay cả Nam Cực. Tuy vậy, hầu hết các nhà thiên văn vẫn làm việc thiên về lý thuyết, nếu có quan sát thì thường cũng rất ít.

Star Trails Over the CFHT
Đài thiên văn Canada-Pháp-Hawaii trên núi Maunakea. Ảnh: aas.org

Còn một điều nữa. Bạn đừng nghĩ các nhà thiên văn quan sát sẽ phải thức đêm, ghé mắt vào thị kính để tìm mục tiêu. Thực tế, hệ thống kính thiên văn khổng lồ ngày nay hoàn toàn được điều khiển bằng máy tính, các dữ liệu quan sát sẽ được ghi lại tự động, và các nhà thiên văn không cần thiết phải thức đêm để đợi kết quả. Họ có thể phân tích dữ liệu trên máy tính vào sáng hôm sau.

Earthgrazer – Hội Thiên văn Hà Nội

Dịch từ curious.astro.cornell.edu​

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here