Nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra vào ngày 6 tháng 6 tới đây

0
2503

Đêm ngày 5, rạng sáng ngày 6 tháng 6 tới đây, người dân Việt Nam có thể ngắm trọn vẹn hiện tượng nguyệt thực nửa tối. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn những thông tin quan trọng để giúp bạn quan sát hiện tượng này. 

Tại sao có hiện tượng nguyệt thực?

Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt trăng, Trái Đất và Mặt trời lần lượt nằm trên một đường thẳng (hoặc gần thẳng) và Mặt Trăng đi qua bóng của Trái Đất. Khi đó Mặt trăng và Mặt Trời nằm ở phía đối diện nhau của Trái Đất. Chính vì vậy nguyệt thực chỉ xảy ra vào ngày trăng tròn. Do khoảng cách giữa Mặt trăng, Trái Đất và Mặt trời nên trên thực tế bóng của Trái Đất được chia thành hai vùng: vùng bóng tối và vùng bóng nửa tối.

Giải thích hiện tượng nguyệt thực: Khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối (penumbra), nguyệt thực nửa tối sẽ diễn ra. Khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng tối (umbra), nguyệt thực một phần xuất hiện. Nguyệt thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng nằm hoàn toàn trong vùng bóng tối. Ảnh: NASA

Do có sự phân vùng này mà nguyệt thực được chia làm ba loại.

Thứ nhất là nguyệt thực nửa tối – xảy ra khi Mặt trăng đi qua vùng bóng nửa tối của Trái Đất. Vào thời điểm này, Mặt trăng chỉ tối đi đôi chút, do đó nguyệt thực nửa tối thường ít được săn đón như hai loại còn lại.

Loại thứ hai là nguyệt thực một phần, diễn ra khi Mặt trăng đi qua vùng nửa tối và tiếp đi vào vùng bóng tối. Khi đó, Mặt trăng tròn sẽ bị mất một phần như một miếng bánh quy khổng lồ bị ai đó cắn mất một góc vậy.

Loại thứ ba được mong chờ nhất – nguyệt thực toàn phần – xuất hiện khi Mặt trăng hoàn toàn nằm trong vùng bóng tối của Trái Đất và bị che khuất hoàn toàn. Tuy nhiên, Mặt trăng không “biến mất” mà lại xuất hiện với ánh đỏ mê hoặc. Trước và sau giai đoạn nguyệt thực toàn phần bao giờ cũng có nguyệt thực nửa tối và nguyệt thực một phần.

Nguyệt thực nửa tối sáng sớm ngày 6 tháng 6 năm 2020

Khác với nhật thực, hiện tượng nguyệt thực có thể quan sát từ bất kỳ đâu đang trải qua thời gian ban đêm trên Trái Đất, đương nhiên với điều kiện là trời quang đãng. Từ một số nơi, có thể chiêm ngưỡng được trọn vẹn quá trình diễn ra nguyệt thực, nhưng ở một số nơi khác, chỉ có thể thấy nguyệt thực lúc Mặt Trăng đang mọc hoặc đang lặn dần.

Ảnh: Mặt Trăng vào thời điểm nguyệt thực nửa tối (hình bên phải) chỉ tối đi một chút so với lúc bình thường (hình bên phải). Nguồn ảnh: Earthsky

Lần nguyệt thực này kéo dài 3 giờ 18 phút, hoàn toàn có thể quan sát trọn vẹn ở Việt Nam. Tiến trình diễn ra nguyệt thực như sau:

Giai đoạn Mô tả Thời gian (giờ Việt Nam)
Nguyệt thực nửa tối bắt đầu Vùng bóng nửa tối của Trái Đất bắt đầu chạm vào Mặt Trăng 00:45:51
Nguyệt thực nửa tối đạt đỉnh Mặt Trăng nằm gần tâm bóng nửa tối nhất 02:24:55
Nguyệt thực nửa tối kết thúc Mặt Trăng ra khỏi vùng bóng nửa tối 04:04:03

 

Quan sát hiện tượng nguyệt thực rất đơn giản, chỉ cần trời quang mang đủ thấy được Mặt Trăng. Tuy vậy, hiện tượng nguyệt thực nửa tối không quá hấp dẫn, do Mặt Trăng chỉ tối đi một chút so với lúc bình thường.

Nếu muốn chiêm ngưỡng một hiện tượng thiên văn đặc sắc hơn, bạn hãy kiên nhẫn đợi thêm 2 tuần nữa. Đến ngày 21 tháng 6 chúng ta có thể quan sát được hiện tượng nhật thực một phần – tiêu điểm quan trọng nhất trong năm.

—————————————————————————————

Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS)

Tham khảo Time and date & Earthsky

 

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here