Ngày 21 tháng 6 tới đây, cũng đúng vào ngày Hạ chí, người dân Việt Nam có cơ hội quan sát hiện tượng nhật thực một phần kỳ thú với tỉ lệ che phủ từ 27 đến 79% (tùy địa điểm). Toàn bộ quá trình nhật thực một phần sẽ kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ.
Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội (HAS) trân trọng tổ chức sự kiện này cho toàn thể người yêu thiên văn.
Thời gian: Từ 13h15 đến 16h. Chủ Nhật, ngày 21/06/2020.
Địa điểm: Công viên Hòa Bình – đường Phạm Văn Đồng
Bản đồ địa điểm: https://goo.gl/maps/kBLxnA7wmoXFQuPs8
Hotline: 0915.971.198 – 0911.014.688 – 0913.611.094
Link sự kiện: https://www.facebook.com/events/546444252697869/
Nhật thực là gì?
Trái Đất quay quanh Mặt Trời và Mặt Trăng quay quanh Trái Đất. Thi thoảng ba thiên thể này sẽ dóng thẳng hàng nhau. Nếu như Mặt Trăng nằm giữa Mặt Trời và Trái Đất, chắn ánh nắng chiếu tới hành tinh của chúng ta, lúc đó sẽ diễn ra hiện tượng nhật thực.
Mặc dù Mặt Trời lớn hơn Mặt Trăng khoảng 400 lần, nhưng khoảng cách từ Trái Đất chúng ta tới Mặt Trời lại xa gấp 400 lần khoảng cách tới Mặt Trăng, do đó khi nhìn từ Trái Đất, hai thiên thể dường như có cùng kích cỡ. Một sự xếp đặt kì diệu của tạo hóa!
Tùy thuộc vào vị trí tương đối giữa ba thiên thể Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng mà chúng ta thấy 3 kiểu nhật thực:
- Nhật thực toàn phần: xảy ra khi Trái Đất, Mặt Trăng, Mặt Trời nằm chính xác trên cùng một đường thẳng, và Mặt Trăng sẽ vừa vặn che kín Mặt Trời. Chúng ta chỉ có thể quan sát được kiểu nhật thực này ở những nơi nằm ở giữa vùng bóng tối (umbra) của Mặt Trăng. Bầu trời khi ấy sẽ tối sầm như chập tối vậy.
- Nhật thực một phần: xảy ra khi Trái Đất, Mặt Trăng, Mặt Trời không thực sự nằm trên một đường thẳng. Khi ấy, Mặt Trăng chỉ chắn được một phần Mặt Trời.
- Nhật thực hình khuyên: xuất hiện khi Mặt Trăng cách xa Trái Đất nhất. Càng nằm cách xa Trái Đất thì trông Mặt Trăng càng nhỏ, do đó không hoàn toàn che khuất Mặt Trời mà chỉ như chiếc đĩa nhỏ đặt lên trên chiếc đĩa lớn hơn nằm ở phía sau là Mặt Trời. Kiểu nhật thực này tạo một đường viền trông như chiếc nhẫn bao quanh Mặt Trăng.
Nhật thực ngày 21/6 sẽ diễn ra như thế nào?
Nhật thực ngày 21/6 tới đây là nhật thực hình khuyên, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ quan sát được pha nhật thực một phần. Lộ trình của nhật thực sẽ bắt đầu ở Trung Phi, đi qua Ả-rập Xê-út, Bắc Ấn và Nam Trung Quốc trước khi kết thúc ở vùng biển Thái Bình Dương. Pha nhật thực một phần có thể quan sát được ở phần lớn Đông Phi, Trung Đông và Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Trái với lần nhật thực một phần tháng 12 năm ngoái, lần này người dân phía Bắc nước ta sẽ quan sát được nhật thực một phần với tỉ lệ che phủ cực đại lớn hơn người phía Nam. Cụ thể, tỉ lệ che phủ cao nhất là 79% (Hà Giang), và thấp nhất là 27% (Cà Mau).
Bảng dưới đây liệt kê tiến trình nhật thực một số tỉnh và thành phố tại Việt Nam. Bạn có thể tra cứu tiến trình nhật thực và tỉ lệ che phủ cực đại tại nơi sinh sống thông qua website Time&Date.
Địa danh | Nhật thực một phần bắt đầu | Nhật thực một phần cực đại | Nhật thực một phần kết thúc | Tỉ lệ che phủ cực đại |
Hà Giang | 13:12 | 14:52 | 16:16 | 79% |
Hà Nội | 13:16 | 14:55 | 16:18 | 71% |
Đà Nẵng | 13:30 | 15:04 | 16:22 | 56% |
TP HCM | 13:37 | 15:05 | 16:18 | 36% |
Cà Mau | 13:38 | 15:02 | 16:12 | 27% |
Làm thế nào để quan sát nhật thực an toàn?
NASA khuyến cáo rằng không được phép nhìn mắt trần vào Mặt Trời hoặc sử dụng các loại kính râm, kính chống nắng thông thường. Kính râm có thể giảm lượng ánh sáng nhìn thấy, nhưng không thể cản được tia cực tím cường độ cao.
Nguy hiểm hơn, tuyệt đối không được nhìn Mặt Trời qua các thiết bị quan sát như ống nhòm hoặc kính thiên văn nếu chưa gắn kính lọc phù hợp, vì ánh sáng Mặt Trời hội tụ có thể đốt cháy võng mạc chỉ trong tích tắc.
Cách an toàn để quan sát nhật thực là tạo một lỗ thủng nhỏ bằng đầu bút chì lên tờ giấy hoặc bìa cứng, sau đó để ánh sáng Mặt Trời chiếu qua lỗ lên màn hình tạm thời như là một mẩu giấy. Hình ảnh hiện lên trên màn hình quan sát tạm thời sẽ an toàn hơn cho mắt của bạn.
Chuyên nghiệp hơn, bạn có thể tìm mua kính mắt nhật thực (eclipse glasses) – một thiết bị quan sát gọn nhẹ, trông khá giống kính râm nhưng đủ khả năng chặn bức xạ nguy hại từ Mặt Trời. Đối với ống nhòm hoặc kính thiên văn, bạn cần gắn thiết bị lọc ánh sáng chuyên dụng gọi là tấm lọc mặt trời (solar filter).
Nhưng ngay cả vậy thì việc quan sát Mặt Trời qua kính thiên văn vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đòi hỏi bạn cần cẩn thận trong suốt quá trình quan sát.
Dự báo nhật thực tại Việt Nam
Sau lần nhật thực ngày 21/6 này, người Việt Nam phải đợi đến năm 2023 mới lại quan sát được hiện tượng thiên văn kỳ thú. Tuy nhiên, nhật thực ngày 20/4/2023 này không ấn tượng chút nào khi ở nước ta Mặt Trời chỉ bị che khuất tối đa 5%.
Hai lần nhật thực một phần vào năm 2027 và năm 2028 cũng không đáng chú ý cho lắm vì tỉ lệ che phủ chỉ đạt lần lượt 15% và 30%.
Phải đến năm 2031, chúng ta mới lại thấy một lần nguyệt thực thú vị khi có nơi ở Việt Nam quan sát được tỉ lệ che phủ lên tới 80%.
Bạn muốn quan sát nhật thực toàn phần ở Việt Nam? Hãy cố gắng chờ đến tháng 4 năm 2070 nhé!
Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội
Tham khảo Seasky; Time & Date