Các sự kiện thiên văn nổi bật trong tháng 12 năm 2024

0
26
Các sự kiện thiên văn nổi bật trong tháng 12 năm 2024. Nguồn ảnh: José Luis Quiñones (Entre Encinas y Estrellas)
1. Ngày 01 tháng 12: Trăng mới
Chuyển động trên quỹ đạo của Mặt Trăng đưa vệ tinh quay quanh Trái Đất với chu kỳ khoảng bốn tuần và kết quả là các pha của nó thay đổi tuần hoàn từ Trăng mới, Trăng thượng huyền, Trăng tròn, Trăng hạ huyền rồi Trăng mới sau mỗi 29,5 ngày. Chuyển động này cũng có nghĩa là, Mặt Trăng di chuyển hơn 12° về phía động trên bầu trời từ đêm này qua đêm khác, khiến nó mọc và lặn muộn hơn gần một giờ.
Vào lúc 13 giờ 22 phút ngày 01 tháng 12, Mặt Trăng sẽ đi qua Mặt Trời ở khoảng cách 4°34′ và bị che khuất trong ánh sáng chói chang đến từ ngôi sao này trong vài ngày. Vào pha Trăng mới, Mặt Trăng xuất hiện ở giữa Trái Đất và Mặt Trời, khi đó, chúng ta gần như nhìn thấy chính xác một nửa bán cầu không được chiếu sáng của vệ tinh này khiến nó gần như trở nên vô hình trên bầu trời.
Trong những ngày tiếp theo sau thời điểm Trăng mới, Mặt Trăng sẽ xuất hiện trên bầu trời vào cuối buổi chiều như một mảnh lưỡi liềm mỏng và lặn đi chỉ vài giờ ngay sau khi Mặt Trời lặn. Đến khoảng một tuần sau đó, Mặt Trăng sẽ ở lại trên bầu trời cho đến nửa đêm.
Tiến trình hàng ngày của Mặt Trăng trong một tuần tới kể từ thời điểm ngày 01 tháng 12 năm 2024 (thời gian được tính theo giờ địa phương của Hà Nội). Nguồn: In-the-sky.org
2. Ngày 08 tháng 12: Sao Mộc đạt vị trí trực đối
Sao Mộc sẽ đạt vị trí trực đối – vị trí đối diện với Mặt Trời trên bầu trời khi quan sát từ Trái Đất, vào lúc 03 giờ 50 phút ngày 08 tháng 12. Từ Hà Nội, hành tinh này sẽ xuất hiện ở cao 7° so với đường chân trời hướng Đông vào lúc 17 giờ 45 phút. Nó sẽ đạt đến vị trí cao nhất trên bầu trời vào lúc 23 giờ 44 phút, cao 88° so với đường chân hướng Bắc và lặn đi vào lúc 06 giờ 22 phút sáng ngày hôm sau ở hướng Tây. Trong đêm, Sao Mộc sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là – 2,8 trong khu vực của chòm sao Taurus (Kim Ngưu).
Cùng thời điểm Sao Mộc đạt vị trí trực đối, nó cũng sẽ tiến đến gần với Trái Đất nhất khiến hành tinh này trở nên sáng và lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, trên thực tế, Sao Mộc quay quanh Mặt Trời ở quỹ đạo xa hơn rất nhiều so với quỹ đạo của Trái Đất – khoảng cách trung bình tính từ Mặt Trời là 5,20 AU. Điều này khiến cho kích thước góc của nó thay đổi không quá nhiều giữa hai thời điểm trực đối (kích thước góc lớn nhất) và giao hội với Mặt Trời (kích thước góc nhỏ nhất).
Ngay cả khi ở gần Trái Đất nhất trong năm, Sao Mộc cũng xuất hiện dưới dạng một điểm sáng giống như các ngôi sao khác trên bầu trời, mặc dù chỉ với một chiếc ống nhòm đủ tốt, bạn hoàn toàn có thể quan sát thấy đĩa sáng của hành tinh này đi kèm với các vệ tinh lớn nhất của nó. Trong những tuần sau khi đạt vị trí trực đối, Sao Mộc sẽ đạt đến điểm cao nhất trên bầu trời sớm hơn bốn phút qua mỗi đêm. Nó sẽ lui dần khỏi bầu trời trước bính minh nhưng vẫn có thể tiếp tục có thể nhìn thấy trên bầu trời buổi tối trong vài tháng tới.
Sao Kim và Sao Mộc trong một lần gặp gỡ vào năm 2012 được chụp từ khu vực gần thị trấn Szubin, Ba Lan. Nguồn ảnh: Marek Nikodem (PPSAE)
3. Ngày 14 tháng 12: Mưa sao băng Geminids 2024 đạt cực điểm
Mưa sao băng Geminids có thể quan sát từ ngày 19 tháng 11 đến ngày 24 tháng 11 hàng năm và năm nay sẽ đạt cực điểm vào lúc 09 giờ sáng ngày 14 tháng 12. Do vậy, thời điểm thích hợp nhất để quan sát trận mưa sao băng này trong năm nay là vào đêm 13 và 14 tháng 12. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Trăng gần tròn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới buổi quan sát của bạn.
Geminids là một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với khoảng từ 120 đến 150 vệt sao băng bay ngang qua bầu trời mỗi giờ (trong điều kiện quan sát l‎ý tưởng). Geminids bao gồm những vệt sao băng sáng và di chuyển nhanh, mang đến một cảnh tượng không thể tuyệt vời hơn đối với những người quan sát ở Bắc Bán Cầu, đặc biệt vào những năm không có sự xuất hiện của ánh Trăng.
Với thời gian cực điểm kéo dài gần 24 giờ nên Geminids có thể quan sát thuận lợi trên toàn cầu, bất kỳ khu vực nào cũng sẽ chiêm ngưỡng được trọn vẹn vẻ đẹp của trận mưa sao băng này. Tâm điểm của Geminids nằm trong chòm sao Gemini (Song Tử), gần ngôi sao sáng Castor. Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá chú tâm vào việc xác định chính xác vị trí tâm điểm để quan sát. Các vệt sao băng của một trận mưa sao băng luôn có xu hướng xuất hiện ở khắp mọi vị trí trên bầu trời. Thậm chí, bạn có thể quay lưng về phía chòm sao Gemini những vẫn bắt gặp một vệt sao băng Geminids bay qua.
Bạn có thể bắt đầu quan sát mưa sao băng Geminids từ khoảng 09 hoặc 10 giờ tối khi chòm sao Geminids đã leo cao trên bầu trời hướng Đông. Để quan sát mưa sao băng, hãy tìm một khu vực cách xa ánh đèn thành phố hoặc đèn đường. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị túi ngủ hoặc một chiếc chăn để giữ ấm trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm là điều cần thiết. Nằm ngửa, chân hướng về phía Nam và nhìn lên bầu trời, thu vào tầm nhìn rộng nhất có thể. Sau khoảng 30 phút trong bóng tối, mắt bạn sẽ thích nghi và bắt đầu nhìn thấy nhiều sao băng hơn. Hãy kiên nhẫn, màn trình diễn sẽ kéo dài cho đến trước bình minh, vì vậy bạn có suốt một đêm để quan sát, và chắc chắn, Geminids sẽ không làm cho bạn thất vọng.
Cực điểm mưa sao băng Geminids phía trên hồ Nianhu, Trung Quốc. Nguồn ảnh: Hongyang Luo
4. Ngày 15 tháng 12: Trăng tròn – Trăng lạnh
Mặt Trăng sẽ đạt đến pha Trăng tròn vào lúc 16 giờ 01 phút ngày 15 tháng 12. Vào thời điểm này trong tháng, vệ tinh này sẽ mọc lên bầu trời vào lúc hoàng hôn, thống trị bầu trời trong suốt đêm và lặn đi khi bình minh đến.
Lần Trăng tròn rơi vào tháng 12 dương lịch hàng năm còn được biết đến với cái tên là “Trăng lạnh” do vào thời điểm này trong năm, mùa đông đã thực sự bắt đầu bắt đầu ở Bắc Bán Cầu, nhiệt độ liên tục xuống thấp khiến cái lạnh dần trở nên rõ nét hơn.
Tại thời điểm đạt đến pha đầy đủ, Mặt Trăng có xích vĩ là 28°13’ trong khu vực của chòm sao Taurus (Kim Ngưu). Nó sẽ ở cách chúng ta khoảng 370.000 km
Trăng tròn và Sao Hỏa trên bầu trời tháng 12 năm 2022. Nguồn ảnh: Tomas Slovinsky
5. Ngày 21 tháng 12: Đông chí ở Bắc Bán Cầu
Đông chí năm 2024 sẽ diễn ra vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 21 tháng 12. Ánh sáng Mặt Trời chiếu vuông góc với chí tuyến Nam và đây cũng là điểm xa nhất về phía Nam trong hành trình của ngôi sao này trên thiên cầu. Sau đông chí, Mặt Trời sẽ di chuyển ngược về phía Bắc và sẽ đi qua xích đạo thiên thể vào khoảng cuối tháng 03 năm sau tại điểm xuân phân. Đông chí là thời điểm Bắc Cực nghiêng ra xa Mặt Trời nhất, vì vậy, đây cũng là ngày ngắn nhất trong năm ở các khu vực nằm về phía Bắc đường xích đạo. Hiệu ứng này tăng dần khi càng đi xa xích đạo. Ở vùng nhiệt đới, độ dài ban ngày chỉ nhỏ hơn 12 giờ một chút, trong khi ở vùng ôn đới, ngày ngắn đi đáng kể. Những nơi nằm bên trong Vòng Cực Bắc sẽ trải qua hiện tượng ban đêm vùng cực khi Mặt Trời không mọc trong suốt 24 giờ.
Điểm chí xảy ra do trục tự quay của Trái Đất nghiêng một góc 23,5° so với mặt phẳng quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời. Hướng của trục quay vẫn cố định trong không gian khi Trái Đất di chuyển trên quỹ đạo, trong khi hướng quan sát của chúng ta về phía Mặt Trời thay đổi và lần lượt đi qua các chòm sao hoàng đạo. Do đó, đôi khi cực Bắc của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt Trời nhiều hơn (vào tháng 06), và đôi khi lại nghiêng ra xa Mặt Trời hơn (vào tháng 12). Điều này tạo ra các mùa trong năm.
Đông chí có thể rơi vào ngày 20, 21, 22 hoặc 23 tháng 12 do độ dài của năm trong lịch của chúng ta không khớp với độ dài của năm nhiệt đới – thời gian Trái Đất hoàn thành một chu kỳ quỹ đạo quanh Mặt Trời. Ngày 21 và 22 tháng 12 thường xuyên xuất hiện hơn so với hai ngày còn lại. Lần gần đây nhất đông chí rơi vào ngày 23 tháng 12 là vào năm 1903 và tiếp theo là vào năm 2303. Trong khi đông chí vào ngày 20 tháng 12 cũng phải chờ đến năm 2080.
Đêm mùa đông ở thung lũng Yosemite thuộc dãy núi Sierra Nevada. Nguồn ảnh: Wally Pacholka (AstroPics.com, TWAN)
6. Ngày 22 tháng 12: Mưa sao băng Ursids 2024 đạt cực điểm
Mưa sao băng Ursids diễn ra hàng năm từ ngày 17 đến 26 tháng 12 với cực điểm năm nay rơi vào lúc 12 giờ 22 phút ngày 22 tháng 12. Đây là một trận mưa sao băng nhỏ luôn đạt cực đại vào khoảng thời gian đông chí trong năm và thường bị bỏ qua do trùng với mùa lễ hội. Cùng với đó, tần suất vào lúc cực đại thấp hơn rất hơn so với trận mưa sao băng Geminids trước đó khiến nó dễ bị lãng quên. Năm nay, Trăng hạ huyền sẽ đôi phần cản trở tới buổi quan sát của bạn, nhưng nếu tìm được các khu vực thích hợp để khuất ánh Trăng sáng, Ursids vẫn là một trận mưa sao băng đáng để mong chờ.
Trong bầu trời tối l‎ý tưởng không Trăng, bạn có thể nhìn thấy khoảng 10 vệt sao băng Ursids mỗi giờ vào lúc cục điêm. Tuy nhiên, đôi lúc, trận mưa sao băng này cũng khiến chúng ta kinh ngạc với những màn trình diễn bùng nổ đầy ấn tượng. Vào năm 1945 và 1986, người ta ghi nhận từ 90 đến 120 sao băng bay ngang bầu trời mỗi giờ xung quanh cực điểm.
Mưa sao băng Ursids được đặt theo tên chòm sao các các sao băng dường như xuất phát từ đó được gọi là tâm điểm. Theo góc nhìn từ Trái Đất, tâm điểm này nằm trong chòm sao Ursa Minor (Tiểu Hùng). Chòm sao này nổi tiếng với Polaris hiện là Sao Bắc Cực vì nó nằm rất gần với một trong hai cực thiên thể của Trái Đất. Tuy nhiên, cũng giống như các trận mưa sao băng khác, các vệt sao băng Ursids luôn có xu hướng tỏa ra khắp bầu trời. Bạn có thể quan sát mưa sao băng Ursids trong suốt đêm vì gần như tâm điểm không bao giờ lặn đi mà luôn hiện diện ở khu vực nằm phía trên đường chân trời hướng Bắc.
Để quan sát mưa sao băng, hãy tìm một khu vực cách xa ánh đèn thành phố hoặc đèn đường. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị túi ngủ hoặc một chiếc chăn để giữ ấm trong điều kiện nhiệt độ xuống thấp vào ban đêm là điều cần thiết. Nằm ngửa, chân hướng về phía Nam và nhìn lên bầu trời, thu vào tầm nhìn rộng nhất có thể. Sau khoảng 30 phút trong bóng tối, mắt bạn sẽ thích nghi và bắt đầu nhìn thấy nhiều sao băng hơn. Hãy kiên nhẫn, màn trình diễn sẽ kéo dài suốt đêm nên chắc chắn bạn sẽ chiêm ngưỡng được kha khá vệt sao băng nổi bật.
Mưa sao băng Ursids hoạt động cùng thời điểm với trận mưa sao băng Geminids nổi tiếng hơn. Nguồn ảnh: Haitong Yu qua Getty Images
7. Ngày 25 tháng 12: Sao Thủy đạt ly giác cực đại phía Tây
Sao Thủy sẽ đạt vị trí ly giác cực đại phía Tây trong lần xuất hiện trên bầu trời buổi sáng này vào lúc 14 giờ 10 phút ngày 25 tháng 12. Khi quan sát từ Hà Nội, đây không phải là một hiện tượng quá nổi bật và khó quan sát khi Sao Thủy chỉ đạt đến độ cao cực đại khoảng 20° so với đường chân trời khi Mặt Trời mọc. Với độ sáng biểu kiến là – 0,4, việc tìm kiếm hành tinh này trong điều kiện ánh sáng bình minh chiếm ngự hoàn toàn vùng trời này thực sự không hề dễ dàng.
Sao Thủy sẽ sáng lên nhanh chóng khi bắt đầu xuất hiện vào buổi sáng từ vị trí giao hội trong. Nếu bạn có một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn và hướng về phía hành tinh này trên bầu trời buổi sáng những ngày cuối năm này, Sao Thủy sẽ là một đĩa sáng khuyết đang đầy đặn dần. Nó sẽ mọc lên ở hướng Đông vào lúc khoảng 5 giờ sáng. Bạn sẽ có khoảng một tiếng rưỡi để quan sát hành tinh này trước khi Mặt Trời mọc vào lúc 06 giờ rưỡi.
Cảnh báo: Đừng bao giờ cố hướng ống nhòm hay kính thiên văn vào một vật thể nằm quá gần Mặt Trời. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt, thậm chí có thể mù vĩnh viễn
Bề mặt bao gồm rất nhiều hố va chạm của Sao Thủy có đặc điểm giống với Mặt Trăng của chúng ta. Nguồn ảnh: Mariner 10, NASA
8. Ngày 30 tháng 12: Trăng mới
Chuyển động trên quỹ đạo của Mặt Trăng đưa vệ tinh quay quanh Trái Đất với chu kỳ khoảng bốn tuần và kết quả là các pha của nó thay đổi tuần hoàn từ Trăng mới, Trăng thượng huyền, Trăng tròn, Trăng hạ huyền rồi Trăng mới sau mỗi 29,5 ngày. Chuyển động này cũng có nghĩa là, Mặt Trăng di chuyển hơn 12° về phía động trên bầu trời từ đêm này qua đêm khác, khiến nó mọc và lặn muộn hơn gần một giờ.
Vào lúc 05 giờ 28 phút ngày 30 tháng 12, Mặt Trăng sẽ đi qua Mặt Trời ở khoảng cách 4°56′ và bị che khuất trong ánh sáng chói chang đến từ ngôi sao này trong vài ngày. Vào pha Trăng mới, Mặt Trăng xuất hiện ở giữa Trái Đất và Mặt Trời, khi đó, chúng ta gần như nhìn thấy chính xác một nửa bán cầu không được chiếu sáng của vệ tinh này khiến nó gần như trở nên vô hình trên bầu trời.
Để chỉ lần Trăng mới thứ hai trong hai lần Trăng mới của một tháng dương lịch, người ta sử dụng thuật ngữ “Trăng đen”. Dù không phải là một thuật ngữ thiên văn chính thức, nhưng có hai định nghĩa thường được sử dụng là “Trăng đen của tháng” và “Trăng đen của mùa”. Tuy nhiên, khác với Trăng xanh, do Trăng đen để chỉ một lần Trăng mới nên chúng ta sẽ không thể quan sát được nó. Trăng mới vào ngày 30 tháng 12 sắp tới đây là một lần Trăng đen của tháng.
Trong những ngày tiếp theo sau thời điểm Trăng mới, Mặt Trăng sẽ xuất hiện trên bầu trời vào cuối buổi chiều như một mảnh lưỡi liềm mỏng và lặn đi chỉ vài giờ ngay sau khi Mặt Trời lặn. Đến khoảng một tuần sau đó, Mặt Trăng sẽ ở lại trên bầu trời cho đến nửa đêm.
Tiến trình hàng ngày của Mặt Trăng trong một tuần tới kể từ ngày 30 tháng 12 năm 2024 (thời gian được tính theo giờ địa phương của Hà Nội). Nguồn: In-the-sky.org
Hội Thiên Văn Hà Nội (HAS)
Dịch và biên tập: Phan Quân

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here