Cứ đến giữa tháng 11 hàng năm, những vệt sao băng kì diệu từ mưa sao băng Leonids lại thắp sáng bầu trời đêm trên Trái Đất. Trong lịch sử, Leonids đã được ghi nhận là trận “bão sao băng” lớn nhất, đã từng đạt tỉ lệ 50000 vệt sao băng quan sát được mỗi giờ.
Bão sao băng như vậy rất hiếm khi xảy ra. Theo tạp chí Sky and Telescope, người xem năm nay chỉ có thể kì vọng khoảng 10-20 vệt sao băng mỗi giờ vào đêm ngày 17, rạng sáng 18/11.
THÔNG TIN MƯA SAO BĂNG LEONIDS
Thời gian hoạt động: 6/11-30/11 hàng năm
Cực đại năm nay: 17/11/2017
Nguồn gốc: Sao chổi Tempel Tuttle
Xuất hiện từ chòm sao: Leo (Sư Tử)
Tần xuất: 10-20 vệt sao băng/giờ
MƯA SAO BĂNG LEONIDS ĐẾN TỪ ĐÂU?
Mưa sao băng Leonids xảy ra hàng năm vào tháng 11, khi Trái Đất quét qua quỹ đạo của sao chổi Tempel-Tuttle. Sao chổi này di chuyển quanh Mặt Trời với chu kì 33.3 năm, trên đường đi nó để lại vô vàn bụi và các mảnh thiên thạch tí hon.
Một khi Trái Đất cắt qua con đường bụi này, vô số bụi và mảnh đá lao vào bầu khí quyển Trái Đất. Lực cản không khí trong bầu khí quyển khiến cho chúng nóng lên và bốc cháy thành những vệt sao băng rực rỡ.
Do kích thước rất nhỏ, thường chỉ cỡ hạt cát hoặc hạt đậu, phần lớn chúng sẽ cháy sạch trước khi tới được bề mặt Trái Đất.
THỜI GIAN VÀ ĐỊA ĐIỂM QUAN SÁT
Mưa sao băng Leonids đạt cực đại vào đêm ngày 17, rạng sáng ngày 18 tháng 11. Dù vậy, người xem vẫn có thể thấy được một số vệt sao băng vào một vài ngày trước hoặc sau thời gian cực đại trên. Mặt trăng chỉ xuất hiện một lúc vào chập tối, do đó cả đêm quan sát sẽ không hề bị ánh trăng cản trở.