Với tần suất cực đại lên tới 100 sao băng mỗi giờ, Perseids là một trong hai mưa sao băng lớn nhất, đẹp nhất trong năm. Đêm 12,13 tháng 8 là thời điểm mưa sao băng đạt tần suất lớn nhất. Nhưng thật đáng tiếc, trăng sáng sẽ cản trở việc quan sát mưa sao băng Perseids trong năm nay.
Thông tin mưa sao băng Perseids
Nguồn gốc : Sao chổi Swift-Tuttle
Thời gian hoạt động : 17 tháng 07 – 24 tháng 08 hàng năm
Cực đại : 12, 13 tháng 08
Tỉ lệ sao băng cực đại: 80-100 vệt/giờ
Vận tốc sao băng : 58 km/s
Điểm phát (radiant) : Chòm sao Perseus (Anh Tiên)
MƯA SAO BĂNG PERSEIDS ĐẾN TỪ ĐÂU?
Trên đường di chuyển trong không gian, sao chổi bỏ lại vô vàn bụi và mảnh đá nhỏ. Khi những mảnh đá này bay vào khí quyển Trái Đất với tốc độ 200 000 kilomet mỗi giây, chúng nén và làm nóng không khí ở ngay phía trước. Điều này cũng làm bản thân mảnh đá nóng lên đến cả ngàn độ C và “bốc cháy” thành sao băng. Mưa sao băng Perseids cũng hình thành như vậy.
“Mẹ đẻ” của mưa sao băng Perseids là sao chổi Swift-Tuttle. Cứ vào trung tuần tháng 8 hàng năm, Trái Đất quét qua một vùng không gian chứa đầy vật chất do sao chổi Swift-Tuttle bỏ lại. Kết quả là chúng ta nhận được những màn mưa sao băng lộng lẫy trên bầu trời.
NGẮM SAO BĂNG PERSEIDS 2019: COI CHỪNG ÁNH TRĂNG!
Dòng sao băng Perseids hoạt động từ ngày 17 tháng 7 đến ngày 24 tháng 8, và sẽ đạt cực đại vào ngày đêm ngày 12, rạng sáng 13 tháng 8. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là cực điểm Perseids năm nay lại rơi đúng vào đêm trăng sáng. Do đó lượng sao băng mà bạn có thể nhìn thấy sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Có hai giải pháp dành cho bạn. Đầu tiên, bạn hoàn toàn có thể quan sát sớm hơn vài ngày. Tuy tần suất chưa mạnh như đêm 12, 13 tháng 8, nhưng ít nhất ảnh hưởng của ánh trăng sẽ giảm bớt. Nhờ thế mà bạn sẽ nhìn được thêm nhiều sao băng mờ hơn.
Giải pháp thứ hai là bạn nên tận dụng quan sát trong khoảng thời gian Mặt Trăng xuống thấp và lặn dần ở chân trời phía Tây. Trong đêm 12, rạng sáng 13/8 này, Mặt Trăng sẽ lặn lúc 03:22 (Hà Nội), bạn hoàn toàn có thể quan sát từ khoảng thời gian đó cho tới rạng sáng.
Thời gian | Pha Mặt Trăng | Giờ Mặt Trăng lặn (Hà Nội) |
Đêm 05, 06/08/2019 | 25,6% | 22:02 (05/08) |
Đêm 08, 09/08/2019 | 59,4% | 00:09 (09/08) |
Đêm 10, 11/08/2019 | 78,6% | 01:41 (11/08) |
Đêm 11, 12/08/2019 | 86,3% | 02:31 (12/08) |
Đêm 12, 13/08/2019 | 92,4% | 03:22 (13/08) |
Đêm 13, 14/08/2018 | 96,8% | 04:15 (14/08) |
Cái tên Perseids bắt nguồn từ việc điểm phát (radiant) của mưa sao băng này nằm trong chòm sao Perseus (Anh Tiên). Điều đó có nghĩa là các sao băng sẽ có xu hướng phát ra từ chòm sao này.
Khoảng thời gian mưa sao băng Perseids xuất hiện cũng trùng với thời gian mưa sao băng Delta Aquarids hoạt động (từ 12/7 đến 23 tháng 8), nên thi thoảng bạn sẽ thấy cả sao băng Delta Aquarids cùng hòa nhịp với Perseids trên bầu trời đêm.
CẨM NANG QUAN SÁT MƯA SAO BĂNG
Dưới đây là vài lời khuyên và hướng dẫn để giúp bạn có một buổi quan sát sao băng trọn vẹn. Những lời khuyên này nhìn chung có thể áp dụng cho tất cả mưa sao băng, không riêng Perseids.
- Hãy luôn chú ý đến vấn đề thời tiết. Nếu trời có mưa hoặc nhiều mây, kế hoạch quan sát của bạn sẽ “phá sản”. Địa điểm quan sát thích hợp là một yếu tố quan trọng. Hãy chọn một nơi thoáng đãng, tầm nhìn rộng, tránh khỏi ánh đèn điện và tất nhiên cần phải an toàn vào buổi đêm.
- Bạn nên bắt đầu quan sát từ sau nửa đêm. Hãy nằm hoặc ngồi một cách thoải mái và nhìn về vùng trời phía đông bắc. Tuy nhiên, sao băng vẫn có thể bay ra từ bất kì nơi nào trên bầu trời.
- Đừng sốt ruột! Hãy dành ít nhất một giờ để quan sát. Tuy tần suất có thể lên tới 100 sao băng một giờ, nhưng do ánh trăng, điều kiện quan sát cùng độ cao của điểm phát, nên nếu đếm được vài chục sao băng bạn đã là người may mắn rồi. Đừng quên hãy dành 20 phút đứng trong bóng tối để mắt bạn thích nghi với màn đêm nhé.
- Quan sát mưa sao băng hoàn toàn chỉ dùng mắt thường, không cần dùng đến kính thiên văn hay ống nhòm.
- Và cuối cùng, hãy thư giãn và thưởng thức vẻ yên bình của bầu trời đêm. Nếu may mắn, bạn sẽ thấy những sao băng đuôi dài sáng rực, thường được gọi là “cầu lửa”(fireball). Ngoài ra, bạn đừng quên ngắm nhìn bầu trời sao, ngắm các chòm sao xinh đẹp và cả ánh hồng bình minh.
Đọc thêm: Hướng dẫn chụp ảnh hiện tượng mưa sao băng
Earthgrazer – Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS)