Siêu trăng là gì?

0
5944
Nguồn: National Geographic

Siêu trăng xảy ra khi Trăng tròn đến vị trí gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó, nhờ đó khiến cho Mặt trăng trông sáng hơn và gần hơn một chút so với bình thường, mặc dù sự khác biệt này khó nhận ra bằng mắt thường. Siêu trăng đầu tiên của năm 2019 xuất hiện vào ngày 20, 21 tháng 1; hai lần Siêu trăng tiếp theo xảy ra vào ngày 19 tháng 2 và 21 tháng 3.

Thuật ngữ “Siêu trăng” đã được sử dụng trong khoảng 40 năm qua, nhưng mãi đến cuối năm 2016, nó mới nhận được nhiều sự chú ý, khi mà 3 lần siêu trăng xảy ra liên tiếp. Siêu trăng tháng 11 năm 2016 – cũng là lần Mặt trăng xuất hiện gần Trái Đất nhất trong 69 năm qua, mặc dù lần gần hơn sẽ xảy ra vào khoảng những năm 30 của thế kỉ 21.

Kết quả hình ảnh cho supermoon
Siêu trăng xuất hiện phía trên Tòa nhà Quốc hội Mỹ, ngày 3/12/2017. Nguồn: NBC

SIÊU TRĂNG DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Quỹ đạo của Mặt trăng khi quay quanh Trái Đất không phải là một đường tròn tuyệt đối. Khoảng cách trung bình từ Mặt trăng tới Trái Đất vào khoảng 382.900 km, tuy nhiên điểm cận địa và viễn địa – điểm gần và xa Trái Đất nhất – thay đổi vào mỗi tháng âm lịch.
“Lý do quỹ đạo Mặt trăng không phải là một đường tròn tuyệt đối là vì có lực thủy triều, hay chính là lực hấp dẫn, rất mạnh tác động lên Mặt trăng” – Noah Petro, một nhà khoa học của làm việc tại NASA, người đại diện cho sứ mệnh Tàu quỹ đạo Do thám Mặt Trăng (LRO), cho biết.

Ông cho biết thêm rằng lực hấp dẫn khác nhau đến từ Trái Đất, Mặt trời hay các hành tinh đều có ảnh hưởng đến quỹ đạo Mặt trăng. “Chính lực hấp dẫn có nguồn gốc khác nhau này đã “kéo” và “đẩy” Mặt trăng, nhờ thế mà chúng ta có những cơ hội đến nhìn Mặt Trăng gần hơn”, ông bổ sung.

Để xuất hiện siêu trăng tròn thì cần hai điều kiện then chốt. Đầu tiên là Mặt trăng cần tiến đến vị trí gần Trái Đất nhất, hay còn gọi là điểm cận địa, nằm trên quỹ đạo của nó. Thứ hai, Mặt trăng cần phải ở pha tròn. Điều này xảy ra cứ sau 29,5 ngày, lúc Mặt trời chiếu sáng toàn bộ Mặt trăng. Siêu trăng chỉ xảy ra tối đa một vài lần trong năm vì trong khi Trái Đất quay quanh Mặt trời, thì quỹ đạo Mặt trăng có sự thay đổi về hướng. Đó là lý do tại sao bạn không nhìn thấy Siêu trăng mỗi tháng.

Kết quả hình ảnh cho supermoon comparison
So sánh kích thước Trăng tròn tại điểm cận địa (perigee) và viễn địa (apogee). Nguồn: Sky & Telescope

Siêu trăng sẽ lớn hơn khoảng 30% và sáng hơn khoảng 14% so với trăng tròn thông thường, tuy nhiên sự khác biệt này khó có thể nhận ra bằng mắt thường. “Điều đó sẽ không đủ gây chú ý trừ khi bạn là người quan sát mặt trăng rất cẩn thận,” – Alan MacRobert, biên tập viên Tạp chí Sky & Telescope, cho biết.

Bạn có thể sẽ thấy siêu trăng trông đặc biệt lớn, tuy nhiên, đó là khi nó rất gần đường chân trời. Nhưng điều này không liên quan gì đến thiên văn mà đều là do cách thức hoạt động của bộ não con người. Hiệu ứng này được gọi là “ảo giác Mặt trăng” và có thể nảy sinh từ ít nhất một vài lí do. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng có lẽ não bộ so sánh Mặt trăng với các tòa nhà hay vật thể gần đó; hoặc có lẽ bộ não của chúng ta tự động cho rằng những vật thể trên đường chân trời sẽ lớn hơn trên bầu trời.

NGUỒN GỐC TỪ CHIÊM TINH HỌC

Thuật ngữ “Siêu trăng” không bắt nguồn từ thiên văn mà từ chiêm tinh học – một hệ thống giả khoa học nghiên cứu về sự chuyển động của các thiên thể để đưa ra các giả định/dự đoán về tính cách và các sự kiện trong cuộc sống con người. Thuật ngữ này được đề cập lần đầu tiên trong một bài báo năm 1979 của tạp chí Dell Horoscope, do Richard Nolle biên soạn. Nolle định nghĩa Siêu trăng là “trăng mới hoặc trăng tròn xảy ra khi Mặt trăng nằm tại vị trí gần với Trái Đất nhất trên quỹ đạo của nó (hoặc trong khoảng 90% khoảng cách từ vị trí đó tới Trái Đất”,  nhưng ông không giải thích ông lấy con số 90% ở đâu.

Siêu trăng tháng 11/2016 là lần trăng tròn lớn nhất từng thấy trong 69 năm qua. Nguồn: Universetoday

Phải đến vài năm gần đây, thuật ngữ đó mới thu hút được nhiều sự chú ý. Thử tìm kiếm Google Trends từ năm 2004, bạn có thể thấy từ khóa “Siêu trăng” (supermoon) không được sử dụng nhiều mãi đến năm 2011. Và mãi đến tháng 11/2016, Siêu trăng mới thu hút được nhiều chú ý, khi mà con người được chứng kiến Siêu trăng lớn nhất trong 69 năm. Kể từ đó, thuật ngữ này xuất hiện phổ biến hơn ở một số khu vực nhất định trên thế giới – chủ yếu là Đông Nam Á và Bắc Mỹ, trong khi Châu Âu hay Ấn Độ thì ít quan tâm hơn.

Nhà thiên văn Dean Regas, làm việc tại Đài quan sát Cincinatti, cho rằng các thuật ngữ thiên văn xuất hiện gần đây như “Siêu trăng” hay “trăng đen” (trăng mới thứ hai trong tháng) có thể khiến cộng đồng nhận thức sai về các sự kiện nêu trên. Nhưng Regas, người đồng tổ chức chương trình “Star Gazers” của PBS, khẳng định rằng “Siêu trăng” là thuật ngữ khá tốt để cộng đồng tiếp cận thiên văn học.

“Đó là một cách tuyệt vời để cộng đồng cảm thấy hứng thú,” ông nói về thuật ngữ Siêu trăng. Và cũng là thứ có thể kết nối, khiến mọi người thực sự muốn ra ngoài chiêm ngưỡng”.

SIÊU TRĂNG ĐÁNG CHÚ Ý

Vào ngày 20,21/1/2019, Siêu trăng và nguyệt thực xảy ra đồng thời. Nguyệt thực là hiện tượng xảy ra khi Trái Đất nằm chính giữa Mặt trời và Mặt Trăng. Khi đó, Mặt trăng có màu nâu đỏ vì ánh sáng duy nhất nó nhận được được phản chiếu từ Trái Đất.

Siêu trăng xuất hiện trên Bãi phóng vũ trụ Baikonur , Kazakhstan vào tháng 11/2016. Nguồn: SpaceWatch.Global

Cuối năm 2016 chúng ta đã được chứng kiến 3 Siêu trăng liên tiếp vào tháng 10, tháng 11 và tháng 12. Nhưng tháng 11 (ngày 14) là lần nhận được rất nhiều sự chú ý vì đó là Siêu trăng xuất hiện gần Trái Đất nhất trong nhiều thập kỷ gần đây. Mặt trăng tại điểm cận địa khi đó cách Trái Đất khoảng 356.508 km, khiến nó trở thành trăng tròn gần nhất với Trái Đất trong 69 năm qua – kể từ lần Siêu trăng ngày 26/1/1948.

Một lần trăng tròn xảy ra vào tháng 1 năm 1912 thậm chí còn gần Trái Đất hơn Siêu trăng tháng 11/2016 khoảng 100 km. Những người quan sát có thể được chứng kiến một điều đặc biệt thú vị, đó là Mặt trăng sẽ gần Trái Đất hơn so với cả hai năm 1912 và 2016 vào năm 2034.

Đọc thêm: Siêu trăng- đồn đại và sự thật


Diệu Linh – Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội

Theo Space.com

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here