QUAN SÁT SAO CHỔI TUYỆT VỜI NHẤT NĂM 2018

0
3622

Bạn đã từng nghe nói tới 46P/Wirtanen – ngôi sao chổi sẽ tới gần Mặt trời và Trái đất nhất trong tháng 12 tới đây chưa? Sao chổi này sẽ tiếp cận Mặt trời vào ngày 12/12, và ngay sau đó, ngày 16/12, nó sẽ bay ngang qua Trái đất. Sự kiện thiên văn này sẽ mở ra cơ hội để những người yêu thích khám phá vũ trụ được tận mắt nhìn thấy sao chổi (ở những nơi tối, có thể sử dụng ống nhòm để tăng hiệu quả quan sát) – một thiên thể đầy thú vị trong vũ trụ. 

Ở thời điểm hiện tại, vẫn phải cần đến sự trợ giúp của kính thiên văn mới có thể quan sát được sao chổi 46P/Wirtanen. Tuy nhiên, sao chổi này đang trở nên sáng hơn và sẽ đạt đến độ sáng đủ để thấy bằng mắt thường trước khi năm 2018 kết thúc.

Sao chổi Wirtanen vào ngày 04/11, chụp qua kính thiên văn 11 inch. Tác giả: Martin Mobberley

SAO CHỔI 46P/WIRTANEN SẼ CÁCH CHÚNG TA BAO XA?

Theo các nhà thiên văn ở Đại học Maryland, chuyến hành trình ngang qua Trái đất lần này của Wirtanen sẽ là lần tiếp cận Trái Đất gần thứ 10 của sao chổi từng được ghi nhận trong thời hiện đại.

Khi sao chổi tới gần nhất, nó sẽ cách chúng ta 11.5 triệu km, gấp 30 lần khoảng cách giữa Mặt trăng và Trái đất. Mặc dù con số ấy vẫn chưa đủ để phá vỡ kỉ lục từng được thiết lập tháng 6 năm 1770 bởi sao chổi D/1770 L1 Lexell (ít hơn 6 lần khoảng cách Trái đất – Mặt trăng); nhưng nếu so với phần lớn sao chổi, thì chuyến “ghé thăm” của Wirtanen sắp tới vẫn được coi là “gần gũi”.

Lần tiếp cận Trái Đất năm 2018 là là lần tiếp cận gần nhất của sao chổi 46P/Wirtanen kể từ năm 1948. Nguồn: astro.vanbuitenen.nl

Wirtanen thuộc nhóm các sao chổi của Sao Mộc. Trường hấp dẫn của hành tinh lớn nhất Thái dương hệ này đã kéo các sao chổi có nguồn gốc từ vành đai Kuiper vào bên trong quỹ đạo của nó xung quanh Mặt trời. Wirtanen là một sao chổi chu kỳ ngắn với chu kì chỉ 5,4 năm. Vì thế, sao chổi này đã tới gần quỹ đạo Trái đất rầt nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, các lần trước Trái đất đều đang ở vị trí cách rất xa sao chổi. Năm 2018 sẽ đánh dấu lần tiếp cận Trái đất gần nhất trong vòng 70 năm kể từ khi nó được phát hiện bởi nhà thiên văn học người Mỹ Carl A. Wirtanen vào ngày 17/01/1948.

Vậy ở khoảng cách gần như vậy, sao chổi này sẽ sáng đến đâu? Không một ai có được câu trả lời chắc chắn, bởi sao chổi vốn luôn rất khó đoán định. Người ta dự đoán Wirtanen có thể đạt cấp sao biểu kiến trong khoảng từ +3.5 cho đến +6, đồng nghĩa với việc chúng ta có thể quan sát được nó ngay cả bằng mắt thường, cho dù các vật thể khuếch tán như sao chổi thường khó phát hiện hơn các chấm sao có cùng độ sáng.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ TÌM ĐƯỢC SAO CHỔI WIRTANEN ?

Độ sáng của Wirtanen tăng dần lên theo quá trình sao chổi này tới gần Trái đất. Đầu tháng 11, ở cấp sao biểu kiến +8, nó trở thành sao chổi sáng nhất trên bầu trời vào thời điểm hiện tại, song vẫn chưa đủ để nhìn thấy bằng mắt thường. Đến trung tuần tháng 12, độ sáng sẽ nằm trong khoảng +3,5 đến +6, mắt thường đã có thể quan sát được 46/Wirtanen như một vật thể mờ nhạt, khuếch tán trong màn đêm.

Sao chổi 46P/Wirtanen, chụp ngày 07/11/2018. Tác giả: Martin Mobberley 

Vị trí của sao chổi Wirtanen vào ngày 01/12. Nguồn: Stellarium

Một dấu hiệu đặc trưng khi nhắc tới sao chổi chính là cái đuôi chổi. Căn cứ theo vị trí tương đối giữa Trái đất và Wirtanen khi ở cự ly gần nhất, cái đuôi ion sẽ nằm khuất phía sau đầu sao chổi và do đó nằm ngoài tầm quan sát từ Trái đất.

Tốt nhất bạn nên chuẩn bị thêm ống nhòm và kính thiên văn, sau đó tìm tới một nơi thoáng đãng với bầu trời rộng và tối, cách xa ánh đèn thành phố để đảm bảo có được góc nhìn rõ nhất. Ngay cả khi không có điều kiện trang bị ống nhòm và kính thiên văn, đừng lo lắng, bạn vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng sự kiện kì thú này online thông qua dự án Virtual Telescope.

Bên cạnh đó, nếu dành thời gian “theo dõi” trong nhiều tuần, bạn còn “bỏ túi” thêm kha khá kiến thức lí thú về 46P/Wirtanen nữa đấy. Chẳng hạn, nếu quan sát khối khí bao bọc sao chổi – hay còn gọi là coma – bạn sẽ phát hiện ra kích thước của nó thậm chí còn lớn hơn cả Sao Mộc! Thêm nữa, nếu có sự trợ giúp của các dụng cụ quang học, bạn có thể phân biệt chuyển động của sao chổi so với nền trời sao. Đầu tháng 11, vận tốc sao chổi rơi vào khoảng 34 200 km/h (9.5km/s); càng tới gần Trái đất, tốc độ này càng gia tăng. Khi quan sát bằng kính thiên văn nhỏ trong khoảng 30 phút, bạn có thể cảm nhận được sự dịch chuyển tương đối của Wirtanen so với các vì sao.

Vị trí của sao chổi Wirtanen vào ngày 15/12, đầu tiên hãy tìm ra chòm Kim Ngưu và cụm sao Pleiades, để từ đó xác định được vị trí của sao chổi. Nguồn: Stellarium

Để cập nhật những thông tin mới nhất về vị trí, độ sáng, khoảng cách… của sao chổi này, bạn có thể tải về phần mềm Stellarium, và thực hiện vài thao tác đơn giản để có thể theo dõi sao chổi này bằng Stellarium. Xem bài viết hướng dẫn

Ngày 16/12/2018, Wirtanen sẽ tiếp cận Trái đất , 4 ngày kể từ khi thiên thể này đạt điểm cận nhật (điểm gần Mặt trời nhất). Bởi vì sao chổi sẽ hoạt động mạnh mẽ khi lại gần Mặt trời, nó cũng sẽ đạt cực đỉnh độ sáng trong thời gian đó. Hãy tìm một nơi có bầu trời tối và quang đãng để thưởng thức sự kiện lí thú này nhé!

HOÀNG BÍCH NGỌC

Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội
Dịch từ Earthsky

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here