Những điều bạn cần biết về sự kiện Nguyệt thực – Siêu Trăng 26/05/2021

0
2810

Ngày 26/05 tới, chúng ta sẽ có cơ hội quan sát hai hiện tượng thiên văn Nguyệt thực và Siêu Trăng cùng lúc. Nếu bạn yêu bầu trời và mong muốn có một buổi quan sát trọn vẹn nhất thì hãy theo dõi những thông tin cần thiết dưới đây. 

Nguyệt thực là gì? 

Nguyệt thực xảy ra khi bóng của Trái Đất chắn ánh sáng của Mặt Trời chiếu đến Mặt Trăng. Nói cách khác, nếu Mặt Trăng đi vào vùng bóng của Trái Đất thì khi đó sẽ xảy ra hiện tượng Nguyệt thực, được chia thành 3 loại đó là: toàn phần, một phần và nửa tối. Trong đó ấn tượng nhất là nguyệt thực toàn phần, khi mà bóng của Trái Đất hoàn toàn che khuất Mặt Trăng. 

Lần nguyệt thực này sẽ là Nguyệt thực toàn phần diễn ra vào ngày 26/05/2021. Trung tâm Thái Bình Dương, với hầu hết nước Úc, New Zealand và vùng rìa của Châu Đại Dương có thể quan sát toàn bộ quá trình của sự kiện này. Nguyệt thực sẽ đạt cực đại vào lúc 7:19 theo múi giờ miền Đông (18:19 theo giờ Việt Nam). Lần nguyệt thực gần đây nhất là nguyệt thực nửa tối ngày 29, 30 tháng 11 năm 2020, có thể được nhìn thấy từ Bắc đến Nam Mỹ, Thái Bình Dương và những khu vực lân cận. Lần nguyệt thực tiếp theo xảy ra vào ngày 19/11/2021, có thể quan sát ở Bắc và Nam Mỹ, Úc, một vài nơi ở Châu Âu và Châu Á. 

Xuyên suốt lịch sử, nguyệt thực đã gây ra sự kinh ngạc, thậm chí là sợ hãi, đặc biệt khi nguyệt thực toàn phần xảy ra và Mặt Trăng chuyển thành màu đỏ như máu, khiến người không hiểu về nguyên nhân nguyệt thực xảy ra phải khiếp sợ và do đó họ đổ lỗi cho các vị thần. 

Phân loại nguyệt thực

  • Nguyệt thực toàn phần: Phần bóng tối (umbral) của Trái đất phủ lên Mặt Trăng. Tia sáng Mặt Trời đi qua bầu khí quyển của Trái đất bị phân tán và khúc xạ, hoặc bị bẻ cong và hội tụ lại trên bề mặt Mặt Trăng, khiến nó phát ra ánh sáng mờ ngay cả trong pha toàn phần. Nếu bạn đang đứng trên Mặt Trăng và nhìn về hướng Mặt Trời, bạn sẽ thấy Trái Đất che khuất toàn bộ Mặt Trời, tuy nhiên bạn cũng sẽ thấy một vòng ánh sáng phản xạ phát sáng xung quanh đường viền của Trái đất – đó là ánh sáng hội tụ trên mặt trăng trong nguyệt thực toàn phần.

  • Nguyệt thực một phần: Một số lần nguyệt thực chỉ là pha một phần. Nhưng ngay cả nguyệt thực toàn phần cũng trải qua hai giai đoạn một phần trước và sau pha toàn phần. Trong pha một phần, Mặt Trời, Trái Đất và Mặt Trăng không hoàn toàn thẳng hàng và bóng của Trái Đất khiến dường Mặt Trăng như bị “cắn” mất một phần. Đây cũng là nguyên nhân xuất hiện của cái tên “Gấu ăn Trăng”. 
Nguồn: Unsplash
  • Nguyệt thực nửa tối: Đây là loại nguyệt thực ít thú vị nhất, vì mặt trăng nằm trong phần bóng nửa tối của Trái Đất. Bạn có thể sẽ không nhận thấy sự khác biệt trừ khi bạn là một người theo dõi bầu trời dày dặn kinh nghiệm, bởi khi đó Mặt Trăng chỉ bị che bởi phần bóng mờ của Trái Đất. 

 Vẻ đẹp của nguyệt thực toàn phần

Mặt trăng có thể chuyển sang màu đỏ hoặc đỏ nâu trong suốt pha nguyệt thực toàn phần. Mặt Trăng đỏ có thể được nhìn thấy bởi trong khi Mặt Trăng ở trong vùng bóng tối hoàn toàn, một số ánh sáng từ Mặt Trời đi qua bầu khí quyển của Trái Đất và bị bẻ cong về phía mặt trăng. Trong khi các màu khác trong dải quang phổ bị khí quyển Trái Đất chặn lại và phân tán, thì ánh sáng đỏ có xu hướng xuyên qua dễ dàng hơn. 

Nguồn: Samer daboul
Nguồn: Jonathan Borba
Nguồn: Unsplash
Nguồn: Unsplash

Hướng dẫn quan sát nguyệt thực ngày 26/05/2021 tại Hà Nội

Nguyệt thực là một trong những hiện tượng dễ quan sát nhất. Đơn giản chỉ cần đi ra ngoài, nhìn lên và tận hưởng. Bạn không cần kính thiên văn hoặc bất kỳ thiết bị đặc biệt nào khác. Tuy nhiên, ống nhòm hoặc một kính thiên văn nhỏ sẽ làm nổi bật các chi tiết trên bề mặt Mặt Trăng – ngắm trăng luôn là một trải nghiệm thú vị trong suốt quá trình diễn ra nguyệt thực. Nếu nguyệt thực xảy ra vào mùa đông, hãy mặc ấm nếu bạn định ra ngoài trong thời gian đó – nguyệt thực có thể mất vài giờ để diễn ra. Mang theo đồ uống ấm cùng với chăn hoặc ghế để sẽ giúp bạn thấy thoải mái hơn.  

Dưới đây là chi tiết về thời gian diễn ra Nguyệt thực toàn phần tại Hà Nội. Trong suốt 14 phút nguyệt thực toàn phần diễn ra, Mặt Trăng có thể có màu đỏ hay còn gọi là “Trăng Máu”. Lần nguyệt thực này diễn ra chỉ vài giờ sau khi Mặt trăng đạt tới điểm gần với Trái đất nhất (điểm cận địa), chính vì vậy nó còn được gọi là Siêu Trăng Máu.

Tại Việt Nam, không phải khu vực nào cũng quan sát được pha nguyệt thực toàn phần, trong đó có thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, ngay cả với những khu vực có thể quan sát được pha toàn phần thì điều này cũng khá khó vì pha toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng vừa mới mọc, còn đang ở rất thấp trên đường chân trời. 

Bạn có thể quan sát pha một phần từ sau 19:00 ở phía Đông, khi Mặt Trăng đã nhô lên khỏi đường chân trời cùng với chòm sao Bọ Cạp. Hãy chọn một địa điểm thoáng đãng, không ô nhiễm ánh sáng và tận hưởng sự kiện tuyệt vời này.

Sự kiện Thời gian Bạn có thể quan sát tại Hà Nội không? 
Nguyệt thực nửa tối bắt đầu 15:47 Không*
Nguyệt thực một phần bắt đầu 16:45 Không*
Nguyệt thực toàn phần bắt đầu 18:11 Không*
Nguyệt thực đạt cực đại 18:18 Không*
Nguyệt thực toàn phần kết thúc 18:25 Không*
Nguyệt thực một phần kết thúc  19:52 Có 
Nguyệt thực nửa tối kết thúc  20:49

*Do khi đó Mặt Trăng nằm dưới đường chân trời. 

Xem thêm lịch thiên văn 2021 tại đâyhttps://thienvanhanoi.org/lich-cac-su-kien-thien-van-nam-2021/

Dịch từ Timeandate và Space.com

Hội Thiên văn Hà Nội (HAS)

Nhóm dịch thuật HAS: Lê Huế, Ngọc Trâm

Biên tập: Diệu Linh

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here