Lịch các sự kiện thiên văn tháng 12 năm 2020

0
8020

Thời tiết lạnh giá trong tháng cuối cùng của năm không làm lùi bước những người yêu mưa sao băng Geminids – trận mưa sao băng lớn nhất trong năm. Một tuần sau cực đại Geminids, sẽ diễn ra hiện tượng “đại giao hội” hiếm gặp, đó là lần gặp gỡ kỳ thú giữa hai hành tinh Sao Mộc và Sao Thổ.

(*) Thời gian trong bài viết đã được quy đổi ra giờ Việt Nam


Ngày 13, 14 tháng 12 – Mưa sao băng Geminids

Geminids là vua của các trận mưa sao băng. Nó được nhiều người coi là mưa sao băng đẹp nhất trên bầu trời, tạo ra tới 120 vệt sao băng nhiều màu sắc mỗi giờ vào lúc cực điểm. Nó được tạo ra từ các mảnh vỡ của một tiểu hành tinh có tên là 3200 Phaethon, phát hiện vào năm 1982. Mưa sao băng này xuất hiện hàng năm từ ngày 7 đến 17 tháng 12.

Trong năm nay, Geminids đạt cực đại vào đêm ngày 13 và sáng ngày 14. Đến buổi sáng ngày 15, Geminids vẫn còn hoạt động mạnh. Mặt Trăng gần pha trăng mới sẽ khiến bầu trời đủ tối để có thể quan sát sự kiện tuyệt vời này. Điều kiện quan sát tốt nhất sẽ là từ một vị trí tối sau nửa đêm. Các sao băng có xu hướng tỏa ra từ chòm sao Gemini (Song Tử), nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Mưa sao băng Geminids trên bầu trời tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc, tháng 12, 2017. Tác giả: Jeff Dai

Ngày 14 tháng 12 – Trăng mới

Mặt trăng sẽ nằm cùng phía với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và sẽ không nhìn thấy được trên bầu trời đêm. Pha này xảy ra lúc 23:18. Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các vật thể mờ nhạt như các thiên hà và các cụm sao vì không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng.

Ngày 14 tháng  12 – Nhật thực toàn phần

Nhật thực toàn phần xảy ra khi Mặt Trăng hoàn toàn che kín Mặt trời, chỉ còn thấy lớp khí quyển bên ngoài tuyệt đẹp của Mặt trời được gọi là nhật hoa. Nhật thực toàn phần sẽ chỉ thấy được từ vùng phía nam Chile và miền nam Argentina. Pha nhật thực một phần sẽ được nhìn thấy ở hầu hết các vùng phía nam Nam Mỹ, đông nam Thái Bình Dương và nam Đại Tây Dương.

Ở Việt Nam hoàn toàn không quan sát được hiện tượng này.

Ngày 21 tháng 12 – Đông chí

Đông chí năm nay xảy ra lúc 17:02. Cực Nam của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt Trời. Lúc này, Mặt Trời sẽ đạt đến vị trí cực nam của nó trên bầu trời và chiếu sáng thẳng lên vùng chí tuyến Nam, ở vĩ tuyến 23,44 độ vĩ nam. Đây là ngày đầu tiên của mùa đông ở Bắc bán cầu và ngày đầu tiên của mùa hè ở Nam bán cầu.

Ngày 21 tháng 12 – Giao hội hiếm gặp giữa Sao Mộc và Sao Thổ

Giao hội của Sao Mộc và Sao Thổ sẽ diễn ra vào ngày 21 tháng 12. Lần giao hội hiếm gặp giữa hai hành tinh này được gọi là đại giao hội (great conjunction). Lần đại giao hội gần đây nhất xảy ra vào năm 2000. Hai hành tinh sáng chói sẽ chỉ cách nhau 7 phút cung trên bầu trời đêm. Chúng sẽ ở gần nhau đến mức tạo nên một “hành tinh đôi” sáng chói. Hãy nhìn về phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn để quan sát lần giao hội hành tinh ấn tượng và hiếm có này.

Minh họa sự kiện “đại giao hội” giữa Sao Mộc và Sao Thổ tháng 12 năm 2020. Nguồn: Earthsky

Ngày 21, 22 tháng 12 – Mưa sao băng Ursids

Ursids là một trận mưa sao băng cỡ nhỏ, với khoảng 5-10 sao băng mỗi giờ. Trận mưa sao băng này được hình thành từ các hạt bụi còn sót lại của sao chổi Tuttle, lần đầu tiên được phát hiện vào năm 1790. Mưa sao băng Ursids thường xuất hiện từ ngày 17 đến ngày 25 tháng 12 hàng năm.

Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 21, rạng sáng ngày 22. Trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ lặn ngay sau nửa đêm, để lại một bầu trời tối thuận lợi cho việc quan sát mưa sao băng. Thời điểm quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại một vị trí tối, cách xa những ánh đèn thành thị. Sao băng có thể sẽ xuất hiện từ phía chòm sao Ursa Minor (Tiểu Hùng), nhưng cũng có thể xuất hiện ở bất cứ đâu trên bầu trời.

Ngày 30 tháng 12 – Trăng tròn

Mặt Trăng và Mặt Trời sẽ nằm ở 2 phía đối diện nhau khi nhìn từ Trái Đất và mặt hướng về phía Trái Đất của Mặt Trăng sẽ được chiếu sáng hoàn toàn. Pha này xảy ra lúc 10:30.

Trăng tròn lần này được các bộ lạc người Mỹ bản địa xưa kia gọi là Trăng Lạnh (Full Cold Moon) vì đây là thời điểm không khí lạnh mùa đông bao chùm khắp nơi và ban đêm tối tăm kéo dài. Lần trăng tròn này còn được gọi là Trăng Đêm dài (Full Long Nights Moon) và Trăng trước Lễ Yule (Moon Before Yule).


Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS)

Nhóm biên soạn: Quỳnh Anh, Thu Hường, Khánh Linh, Hồng Nhung

 

 

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here