Khi nào Việt Nam mới có thể quan sát được nhật thực?

0
98
Khi nào Việt Nam mới quan sát được nhật thực? Nguồn ảnh: Sudakshina Chakrabarty
Vào ngày 08 tháng 04 năm 2024, người quan sát tại khu vực Bắc Mỹ đã quan sát được nhật thực toàn phần khi phần bóng của Mặt Trăng cắt ngang qua khu vực này. Vậy bạn có thắc mắc, khi nào Việt Nam mới quan sát được nhật thực hay không? Cùng điểm qua các lần nhật thực mà chúng ta có thể quan sát được (từ nhật thực một phần trở lên) trong giai đoạn từ 2024 – 2040 nhé
1. Nhật thực toàn phần – 02 tháng 08 năm 2027
Lần nhật thực kế tiếp mà chúng ta có thể quan sát được từ Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 02 tháng 08 năm 2027. Phần bóng tối của Mặt Trăng sẽ bắt đầu chạm xuống bề mặt Trái Đất tại khu vực Đại Tây Dương, sau đó đi qua khu vực Bắc Phi, Tây Nam Á trước khi kết thúc ở Ấn Độ Dương . Trong khi đó, phần lớn khu vực châu Âu, châu Phi, Tây và Nam Á, Đông Bắc Mỹ sẽ quan sát được nhật thực một phần
Cũng giống như những quốc gia khác trong khu vực, Việt Nam sẽ quan sát được nhật thực một phần với độ che khuất vào lúc cực đại không vượt quá 16%. Nhật thực sẽ bắt đầu vào cuối giờ chiều và chỉ khoảng 30 phút trước khi Mặt Trời lặn.
Đường đi của nhật thực toàn phần vào ngày 02 tháng 08 năm 2027. Nguồn ảnh: timeanddate
2. Nhật thực toàn phần – 22 tháng 07 năm 2028
Đường đi trung tâm của nhật thực lần này sẽ đi qua lục địa Australia từ vùng Kimberley ở phía tây bắc, sau đó đi theo hướng đông nam qua Tây Úc, tây nam Queensland, New South Wale, trung tâm Sydney, New Zealand và kết thúc ở khu vực cách thành phố đảo Dunedin (New Zealand) khoảng 1000 km về phía đông đông nam. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1857 người dân tại Sydney có thể quan sát được nhật thực toàn phần
Tại Việt Nam, ngoại trừ các tỉnh phía bắc có đường biên giới với Trung Quốc, phần còn lại sẽ có thể quan sát được nhật thực một phần với độ che khuất tại thời điểm cực đại cao nhất là khoảng 35% tại Cà Mau. Nhật thực sẽ bắt đầu vào khoảng 07 giờ 40 phút sáng và kéo dài trong khoảng hai tiếng
Đường đi của nhật thực toàn phần vào ngày 22 tháng 07 năm 2028. Nguồn ảnh: timeanddate
3. Nhật thực hình khuyên – Ngày 01 tháng 06 năm 2030
Nhật thực hình khuyên sẽ bắt đầu ở khu phía bắc của châu Phi, sau đó đi qua lục địa Á – Âu, bao gồm Algeria, Tunisia, Libya, Malta, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Bulgaria, Ukraine, Nga, Kazakhstan, Trung Quốc và Nhật Bản. Đường đi của phần đối của bóng Mặt Trăng cũng sẽ đi qua một số thành phố lớn như Tripoli (Libya), Athens (Hy Lạp), Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Krasnodar, Volgograd, Omsk, Krasnoyarsk (Nga) và Sapporo (Nhật Bản).
Tại Việt Nam, chỉ các khu vực từ Quảng Bình trở ra phía Bắc mới quan sát được nhật thực một phần, trong đó, độ che khuất cực đại là khoảng 6,5% tại các tỉnh vùng núi phía Bắc. Nhật thực sẽ bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều và kéo dài trong khoảng gần hai tiếng.
Đường đi của nhật thực hình khuyên vào ngày 01 tháng 06 năm 2030. Nguồn ảnh: timeanddate
4. Nhật thực hình khuyên – 21 tháng 05 năm 2031
Sau những lần nhật thực với độ lớn tương đối khiêm tốn khi quan sát tại Việt Nam, lần nhật thực vào ngày 21 tháng 05 năm 2031 sẽ là một cơ hội để chúng ta chiêm ngưỡng sự kiện thiên văn thú vị này một cách trọn vẹn hơn khi độ che khuất vào lúc cực đại lên tới hơn 80% khi quan sát từ các tỉnh phía Nam và khoảng 40% từ các tỉnh phía Bắc
Đường đi trung tâm của nhật thực sẽ bắt đầu ở khu vực Nam Phi, đi qua Ấn Độ Dương, phía nam Ấn Độ, khu vực gần ranh giới giữa Malaysia và Thái Lan trước khi kết thúc ở tỉnh Maluku của Indonesia. Việt Nam của chúng ta cũng nằm rất gần đường trung tâm của nhật thực nên sẽ quan sát được nhật thực một phần với độ lớn vô cùng ấn tượng
Nhật thực sẽ bắt đầu vào lúc 02 giờ 08 phút chiều và kéo dài trong khoảng ba tiếng trước khi kết thúc vào lúc 05 giờ 11 phút chiều ngày 21 tháng 05 năm 2031
Đường đi của nhật thực hình khuyên vào ngày 21 tháng 05 năm 2031. Nguồn ảnh: timeanddate
5. Nhật thực một phần – Ngày 03 tháng 11 năm 2032
Lần nhật thực một phần diễn ra vào ngày 03 tháng 11 năm 2032 thuộc chuỗi Saros 153 còn tương đối “non trẻ” khi nó mới bắt đầu từ năm 1870 và đang tạo ra nhật thực một phần ở khu vực gần cực Bắc cho đến năm 2086. Và nhật thực vào năm 2032 sẽ được quan sát từ khu vực phía Đông của châu Âu, châu Á và Thái Bình Dương, trong đó có một phần của Việt Nam
Nhật thực một phần sẽ được quan sát từ Việt Nam bắt đầu vào lúc 11 giờ 40 phút ngày 03 tháng 11, đạt cực đại vào khoảng 13 giờ chiều với độ che khuất là khoảng 15% tại các tỉnh phía Bắc và giảm dần khi đi vào trong. Nhật thực sẽ kéo dài trong khoảng hơn hai tiếng trước khi kết thúc vào lúc 14 giờ chiều
Đường đi của nhật thực một phần ngày 03 tháng 11 năm 2032. Nguồn ảnh: timeanddate
6. Nhật thực toàn phần – Ngày 20 tháng 03 năm 2034
Đây không phải một lần nhật thực đáng chú ý trong thập niên tới khi nó chỉ có thể được quan sát từ các tỉnh Tây Bắc Việt Nam như Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu, cùng với đó là độ che khuất vào lúc cực đại không vượt quá 3%. Nhật thực sẽ chỉ được quan sát khoảng 15 phút trước khi Mặt Trời lặn với cực đại diễn ra vào lúc 18 giờ 15 phút chiều
Tuy nhiên, nếu bạn đang ở khu vực Bắc và Trung Phi, Tây Nam Á, Nam Á cũng như phía tây của lục địa Trung Quốc, hãy quan sát nhật thực toàn phần với thời gian tối đa kéo dài 04 phút 09 giây. Bên cạnh đó, những người quan sát ở châu Âu, châu Phi và hầu hết khu vực châu Á cũng có thể quan sát được nhật thực một phần vào ngày này
Đường đi của nhật thực toàn phần ngày 20 tháng 03 năm 2034. Nguồn ảnh: timeanddate
7. Nhật thực toàn phần – 02 tháng 09 năm 2035
Đường đi trung tâm của nhật thực toàn phần lần này sẽ đi qua hai thủ đô của châu Á là Bắc Kin (Trung Quốc) và Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Đồng thời, nó cũng đi qua phía bắc của Tokyo (Nhật Bản). Nhật thực một phần cũng có thể được quan sát từ khu vực phía Đông của châu Âu, châu Á, phía tây của Bắc Mỹ và Thái Bình Dương
Từ Việt Nam, nhật thực một phần sẽ bắt đầu vào lúc 06 giờ 20 phút sáng ngày 02 tháng 09. Nhật thực sẽ đạt cực đại vào lúc 07 giờ 15 phút với độ che khuất là khoảng 36% (ở các tỉnh vùng núi phía Bắc) và khoảng 5% (ở các tỉnh phía Nam). Nhật thực sẽ kéo dài khoảng hai tiếng và kết thúc vào lúc 08 giờ 20 phút
Đường đi của nhật thực toàn phần ngày 02 tháng 09 năm 2035. Nguồn ảnh: timeanddate
8. Nhật thực toàn phần – 26 tháng 12 năm 2038
Trong số ba lần nhật thực diễn ra trong năm 2038, Việt Nam của chúng ta sẽ chỉ quan sát được duy nhất lần nhật thực cuối cùng của năm diễn ra vào ngày 26 tháng 12. Mặc dù thế, nó cũng không thể được quan sát trọn vẹn khi chỉ khu vực từ Quảng Trị trở vào trong mới có thể nhìn thấy với độ che khuất vào lúc cực đại không vượt quá 20%. Nhật thực sẽ bắt đầu vào lúc Mặt Trời mọc và chỉ được quan sát trong chưa đầy một tiếng trước khi nó kết thúc vào lúc 06 giờ 49 phút sáng cùng ngày
Cùng với miền Nam của Việt Nam, các khu vực khác ở Đông Nam Á, lục địa Australia, Ấn Độ Dương, Thái Bình Dương và Nam Cực có thể quan sát được nhật thực một phần. May mắn hơn, nếu bạn nằm trên đường đi trung tâm của nhật thực, hãy quan sát nhật thực toàn phần với thời gian tối đa có thể lên tới 02 phút 18 giây
Đường đi của nhật thực toàn phần vào ngày 26 tháng 12 năm 2038. Nguồn ảnh: timeanddate
Trên đây là liệt kê tất cả 8 lần nhật thực trong giai đoạn từ 2024 – 2040 có thể quan sát được từ một phần hoặc toàn bộ lãnh thổ Việt Nam. Liệu bạn có đang mong chờ một lần nhật thực hình khuyên hay toàn phần có đường đi trung tâm cắt ngang nước ta trong tương lai. Bật mí một chút là nó sẽ chỉ đến vào nửa sau của thế kỷ này thôi nhé
Hội thiên văn Hà Nội (HAS)
Biên tập: Phan Quân

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here