CẬP NHẬT: Độ sáng của sao chổi Tsuchinshan – ATLAS có thể vượt mong đợi

0
23
Sao chổi Tsuchinshan - ATLAS được chụp vào ngày 23 tháng 09 trên bầu trời Bahia, Brasil. Nguồn ảnh: Alexsandro Mota
Dựa trên những hình ảnh chụp trên mặt đất đầu tiên của C/2023 A3 bởi nhà thiên văn học nghiệp dư người Úc Terry Lovejoy kể từ khi nó nằm ẩn mình trong ánh sáng Mặt Trời vào giữa tháng 8, sao chổi này vẫn cho thấy một vùng sáng nhỏ gọn cùng chiếc đuôi lông vũ kéo dài về phía tây nam. Cho đến khi Lovejoy tập hợp các bức ảnh vào ngày 11 tháng 09, C/2023 A3 chỉ có thể tiếp cận từ xa bằng tàu vũ trụ trên quỹ đạo. Giờ đây, ly giác của sao chổi đang tăng dần, vì vậy, chúng ta sẽ sớm có nhiều hình ảnh và quan sát hơn từ khắp nơi trên thế giới. Đối với những người quan sát từ Bắc Bán Cầu, nó đã trở nên hữu hình trên bầu trời từ khoảng ngày 23 tháng 09
Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng Điện tín Thiên văn Hoa Kỳ trong CBET #5445 được đăng vào ngày 10 tháng 09, nhà nghiên cứu sao chổi Joseph Marcus đã đưa dự đoán về sự tăng cường của độ sáng sao chổi do tán xạ thuận vào khoảng thời gian góc pha lớn nhất (ngày 09 tháng 10). Các quan sát cho thấy, C/2023 A3 có vẻ là một sao chổi đặc biệt nhiều bụi dựa trên cấu trúc và hình dạng đuôi của nó cũng như thực tế, hạt nhân của nó tạo ra nhiều bụi hơn so với khí thải C2, loại khí tạo nên màu xanh lục rực rỡ của rất nhiều sao chổi.
Ánh sáng tán xạ mạnh về phía trước bởi các hạt bụi xung quanh sao chổi tăng theo góc pha của nó so với Trái Đất và Mặt Trời (được kí hiệu β trong sơ đồ). Nói cách khác, sao chổi càng gần Mặt Trời trên bầu trời – tức là góc pha càng gần 180° thì nó càng sáng. Ở các góc pha lớn, sao chổi xuất hiện cùng hướng với Mặt Trời và bụi của nó phát sáng rực rỡ. Nguồn ảnh: Bob King
Xét về tổng thể, mật độ bụi, góc pha và tán xạ thuận hiệu quả của sao chổi đều chỉ ra rằng, nó có khả năng trở nên hữu hình trên bầu trời ban ngày. Các yếu tố này cũng có nghĩa là nó sẽ sáng hơn vào lúc chạng vạng trong lần xuất hiện sắp tới. Trong khoảng thời gian từ ngày 07 đến 11 tháng 10, độ sáng biểu kiến của C/2023 A3 có thể thấp hơn – 2 và thấp nhất là – 4,8 vào ngày 09 tháng 10. Nếu vậy, nó có thể nhìn thấy đối với những người quan sát bằng ống nhòm hay kính thiên văn cẩn thận trên bầu trời ban ngày ở cách Mặt Trời không xa.
Joseph Marcus đã cung cấp dữ liệu về độ sáng cơ sở, độ sáng tăng cường và độ sáng quan sát của sao chổi C/2023 A3. Độ sáng quan sát của sao chổi được xác định bằng tổng độ sáng cơ sở và độ sáng tăng cường do hiệu ứng tán xạ thuận gây ra. Ví dụ, vào ngày 09 tháng 10, độ sáng cơ sở là 2,1, độ sáng tăng cường là – 6,7, cộng hai cái lại với nhau, ta được độ sáng khi quan sát là – 4,6
Điều này làm chúng ta nhớ đới C/2006 P1 (McNaught), một sao chổi cũng có thể nhìn thấy trên bầu trời ban ngày với độ sáng biểu kiến thấp nhất là – 6 vào tháng 01 năm 2007. Giống như Tsuchinshan – ATLAS, tán xạ thuận ở góc pha lớn (149° vào ngày 14 tháng 01 năm 2007) đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường độ sáng của McNaught. Chúng ta có thể mong đợi điều tương tự từ C/2023 A3 không? Có thể có hoặc không. Marcus tự tin vào mô hình tán xạ thuận của mình vì nó đã được thử nghiệm đối với nhiều quan sát về sao chổi trước đó, nhưng điều ông không chắc chắn là dự báo về độ sáng cơ sở của Tsuchinshan – ATLAS
Vào ngày 07 tháng 10, khi sao chổi đạt độ sáng biểu kiến là – 2, nó có thể được nhìn thấy bằng kính thiên văn trên bầu trời ban ngày ở ngay gần Mặt Trời. Lưu ý, các quan sát sử dụng kính thiên văn hay ống nhòm hướng về khu vực Mặt Trời cần phải đảm bảo các yếu tố an toàn để tránh ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt. Nguồn ảnh: Stellarium
Chúng ta vẫn chưa biết độ sáng cơ sở của C/2023 A3 vì ánh sáng Mặt Trời cơ bản đã hạn chế các quan sát kể từ đầu tháng 08, hơn một tháng trước điểm cận nhật vào ngày 27 tháng 09. Thiếu dữ liệu dẫn đến các dự đoán về độ sáng biểu kiến khi quan sát có thể dễ dàng sai lệch một hoặc hai độ ở thời điểm đầu tháng 10. Hy vọng, các quan sát mới đang dần được phục hồi sẽ giúp đưa đến những con số chính xác hơn
Một lý do khác khiến C/2023 A3 có thể không nhất thiết là sự lặp lại của sao chổi McNaught mặc dù chúng được sự hỗ trợ rất lớn từ tán xạ thuận liên quan đến khoảng cách tới Mặt Trời tại điểm cận nhật. C/2006 P1 trải qua quá trình gia nhiệt mạnh hơn, do đó nó giải phóng nhiều bụi hơn so với C/2023 A3 vì quá trình đi qua điểm cận nhật đưa sao chổi này đến gần Mặt Trời hơn nhiều (sao chổi McNaught ở cách Mặt Trời 25,4 triệu km so với 58,3 triệu km của sao chổi Tsuchinshan – ALTAS tại thời điểm gần nhất)
Michael Mattiazzo đã chụp ảnh sao chổi C/2023 A3 vào lúc chạng vạng sáng ngày 15 tháng 09 năm 2024 từ Swan Hill, Victoria, Úc bằng ống kính 200mm, trường nhìn là 3°. Ông ước tính độ sáng biểu kiến của nó là 4,6 khi sử dụng ống nhòm 15 x 70. Nguồn ảnh: Michael Mattiazzo
Sao chổi luôn không chắc chắn, nhưng chúng ta luôn hi vọng những dự báo mới như vậy, nó là bằng chứng cho thấy đối tượng này đang được chú ‎ý, từ đó sẽ có nhiều quan sát để tinh chỉnh số liệu. Giống như hầu hết các nhà thiên văn học, sự lạc quan sẽ làm tăng cảm giác mong đợi của mỗi người, và cho dù nó có thể sáng như dự báo hay không, C/2023 A3 vẫn là một điều đáng để đón chờ vào đầu tháng 10 sắp tới
(Theo skyandtelescope)
Hội Thiên văn Hà Nội (HAS)
Dịch và biên tập: Phan Quân

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here