Mưa sao băng Geminids đạt cực đại vào giữa tháng 12 hàng năm được coi là một trong những trận mưa sao băng thường niên lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, Geminids không bắt đầu theo cách rực rỡ như vậy. Nó lần đầu tiên xuất hiện vào giữa những năm 1800 nhưng chỉ là một trận mưa sao băng nhỏ với khoảng 10 đến 20 vệt được nhìn thấy mỗi giờ xung quanh cực điểm. Kể từ đó, Geminids đã phát triển thành một trong những trận mưa sao băng đáng chú ý nhất trong năm. Vào thời điểm cực đại, bạn có thể nhìn thấy 120 vệt sao băng mỗi giờ trong điều kiện quan sát lý tưởng. Geminids cũng đặc trưng bởi những vệt sao băng sáng, di chuyển nhanh và thường “ngả đôi chút sắc vàng”.
1. Bạn có thể nhìn thấy mưa sao băng Geminids ở đâu?
Mặc dù có thể nhìn thấy rõ nhất từ Bắc Bán Cầu nhưng mưa sao băng Geminids cũng có thể được nhìn thấy từ Nam Bán Cầu. Mưa sao băng thường được đặt tên theo chòm sao nơi mà các vệt sao băng xuất phát được gọi là tâm điểm. Theo hướng nhìn từ Trái Đất, tâm điểm nằm trong chòm sao Gemini (Song Tử), gần ngôi sao sáng Castor. Gemini khá dễ phát hiện trên bầu trời đêm khi nó nằm ở phía đông bắc của chòm sao Orion (Thợ Săn), ở giữa chòm sao Taurus (Kim Ngưu) và Cancer (Cự Giải). Hai ngôi sao sáng nhất của chòm sao này là Pollux và Castor tượng trưng cho đầu của cặp song sinh Gemini
Tuy nhiên, bạn cũng không cần tìm kiếm hay nhìn trực tiếp vào chòm sao Gemini, các vệt sao băng sẽ xuất hiện ở mọi nơi trên bầu trời. Hãy đảm bảo di chuyển tầm nhìn của bạn ra khu vực xung quanh các chòm sao gần đó. Các vệt sao băng ở đó luôn có xu hướng sáng và dài hơn so với các vệt sao băng xuất hiện gân tâm điểm. Nếu chỉ tập trung quan sát Gemini, có thể bạn sẽ bỏ lỡ các vệt sao băng tuyệt vời này
2. Cách để quan sát mưa sao băng Geminids
Để quan sát mưa sao băng Geminids một cách tốt nhất, hãy tìm đến cá vị trí tối trời, ngả người ra phía sau và nằm xuống trong trạng thái thư giãn nhất. Bạn không cần bất kỳ thiết bị hỗ trợ đặc biệt nào như kính thiên văn hay ống nhòm để quan sát mưa sao băng vì bí quyết để có một đêm trọn vẹn đáng nhớ là hãy cố gắng quan sát khu vực trời rộng nhất có thể, điều mà chỉ duy nhất mắt thường mới là lựa chọn chân ái. Dành ít nhất 30 phút để mắt thích nghi với bóng tối. Tránh sử dụng điện thoại và đảm bảo bạn đã chuyển đèn pin sang chế độ ánh sáng đỏ để duy trì khả năng thích ứng của mắt trong bóng tối.
Năm nay, Mặt Trăng sáng xuất hiện gần tâm điểm sẽ ảnh hưởng lớn tới buổi quan sát của bạn. Trong cả hai đêm cực điểm là 13 và 14 tháng 12, ánh Trăng gần như thống trị bầu trời trong suốt cả đêm và nó chỉ lặn đi khi Mặt Trời ló dạng ở hướng Đông báo hiệu ngày mới đang đến. Vậy làm sao để có tối ưu hóa được kết quả của buổi quan sát trong điều kiện bất lợi như vậy? Bạn có thể thử làm theo một số gợi ý sau và chắc chắn, kết quả thu được sẽ khiến bạn bất ngờ.
-
Hãy tìm những nơi có tầm nhìn thoáng đãng, nhưng xen kẽ những công trình có thể chặn một phần ánh Trăng. Một khu vực cao nguyên có những ngọn núi có thể là lựa chọn phù hợp. Hoặc không, hãy tìm một bóng cây trong một cánh đồng rộng lớn, hoặc ngồi dưới bóng một tòa nhà. Khi Mặt Trăng bị che khuất, bầu trời sẽ tối hơn và giúp bạn nhìn thấy nhiều sao băng hơn. Bầu trời không thể trốn khỏi ánh Trăng nhưng chắc chắn bạn thì có thể làm điều đó.
-
Hãy quan sát thật kĩ từng vệt sao băng mà bạn bắt gặp, lưu ý ả về tốc độ, màu sắc của chúng. Chúng ta thường quan tâm đến số lượng, hay cụ thể hơn là bạn nhìn thấy bao nhiêu vệt sao băng. Tuy nhiên, trong điều kiện Trăng sáng, số lượng quan sát được giảm mạnh, hãy tập trung hơn về chất lượng của chúng.
-
Hãy chú ý hơn đến các sao băng đặc biệt như fireball, earthgrazer,…
-
Tận hưởng khoảnh khắc quan sát sao băng: Không phải lúc nào bạn cũng thuận lợi, đôi khi sao băng liên tục bay ngang bầu trời tạo nên sự hứng thú cho bạn, nhưng cũng đôi khi lại là một bầu trời yên tĩnh.