MƯA SAO BĂNG GEMINIDS 2020 – NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT

0
1288

Mưa sao băng Geminids (Song Tử) 2020 – trận mưa sao băng đáng chú ý nhất trong năm – sẽ đạt cực đỉnh vào rạng sáng ngày 14 tháng 12 (đêm chủ nhật và rạng sáng ngày thứ hai). Tuy nhiên, bạn cũng đã có thể ngắm những màn trình diễn tuyệt vời trên bầu trời những ngày trước đó, rạng sáng ngày 12 hoặc 13 tháng 12 hay bất kỳ thời điểm nào trong tuần, với lượng sao băng tăng dần đến cực đỉnh.

Nguồn ảnh: Time.com

Nguồn gốc

Mưa sao băng Geminids có nguồn gốc từ tiểu hành tinh 3200 Phaethon. Vào tháng 12 hàng năm, hành tinh Trái Đất của chúng ta băng qua một phần quỹ đạo của vật thể mang tên 3200 Phaethon, một tiểu hành tinh đôi khi còn được gọi là “rock comet”. Các mảnh vụn va chạm của tiểu hành tinh này với vật thể khác khi bay qua thượng tầng khí quyển của Trái Đất với tốc độ 130.000 km/h sẽ để lại những vệt sao băng Geminids rực tỡ.

Với chu kì 1,43 năm, tiểu hành tinh nhỏ bé với kích thước chỉ khoảng 5km này sẽ bay cực kì gần Mặt Trời (trong khoảng 1/3 khoảng cách từ Sao Thủy đến Mặt Trời), khi đó những vết nứt do nhiệt tác động cực mạnh sẽ gây ra nhiều mảnh vụn hơn trên quỹ đạo của nó.

THỜI GIAN QUAN SÁT

Thời điểm quan sát tốt nhất là khoảng 2h sáng, khi chòm Gemini lên cao nhất. Tại cực điểm, với các điều kiện quan sát tối ưu, bạn có thể quan sát được đến 150 vệt/giờ, và với điều kiện trời không trăng đi cùng với trận mưa năm nay, điều này là hoàn toàn có thể. Hơn thế nữa, ngoài mưa sao băng, bạn còn có thể ngắm trăng khuyết và sao Kim cùng lúc xuất hiện trên bầu trời phía đông vào trước bình minh ngày 13.

HƯỚNG QUAN SÁT

Mặc dù những vệt sao băng sẽ xuất hiện từ chòm Gemini nhưng chúng cũng có thể xuất hiện từ bất cứ đâu trên bầu trời. Để được kết quả tốt nhất, bạn nên quan sát xa hơn chòm sao này để có thể bắt trọn những ngôi sao băng có phần “đuôi” dài ngang qua, chỉ nhìn đúng vào chòm Gemini thì bạn sẽ chỉ thấy những vệt sao băng ngắn mà thôi.

Điểm phát trực tiếp của mưa sao băng Geminids gần trùng với ngôi sao sáng Castor của chòm sao. Tuy nhiên, đó là do sự thẳng hàng trùng hợp ngẫu nhiên (Giữa Castor, điểm phát và Trái Đất), bởi Castor cách Trái Đất 52 năm ánh sáng trong khi các sao băng tỏa sáng ở tầng thượng quyển, khoảng 100km so với bề mặt hành tinh.

Sự thật là nếu bạn chỉ chăm chăm hướng về phía chòm sao Gemini, bạn sẽ không thể nhìn thấy “cái đuôi” dài của các thiên thạch khi chúng xẹt ngang trên bầu trời và quá trình từ khi bốc cháy đến khi biến mất của chúng. Hãy đưa mắt ra xa, bao quát cả bầu trời để không bỏ lỡ bất kỳ vệt sao băng hay quả cầu lửa sáng rực nào nhé!

Các sao băng phát ra từ ngôi sao Castor, thuộc chòm sao Gemini

Sao băng Geminids có xu hướng phát ra từ chòm sao Song Tử (Gemini). Nguồn ảnh: Earthsky

HƯỚNG DẪN QUAN SÁT

6 tip để bạn có thể quan sát mưa sao băng thành công:

  1. Tìm kiếm khu vực rộng, thoáng, không bị ô nhiễm ánh sáng
  2. Trận mưa đạt đỉnh vào 2h sáng, có thể quan sát được tại mọi nơi trên thế giới
  3. Hãy xem cùng bạn để có thể quan sát được nhiều hướng hơn
  4. Mắt bạn cần 20 phút để làm quen với trời tối, hãy kiên nhẫn quan sát trong vòng ít nhất 1 tiếng
  5. Tần suất sao băng sẽ không đều
  6. Mặc dù những vệt sao băng sẽ xuất hiện từ chòm Gemini nhưng chúng cũng có thể xuất hiện từ bất cứ đâu trên bầu trời.

DỤNG CỤ QUAN SÁT

Để quan sát mưa sao băng, chúng ta hoàn toàn chỉ dùng mắt thường, các thiết bị đó sẽ khiến cho tầm nhìn của bạn hạn chế hơn mà thôi. Năm nay, mưa sao băng Geminids không bị ảnh hưởng bởi ánh trăng, do đó đây là cơ hội cho những người yêu thiên văn có một buổi “săn sao băng” trọn vẹn.

Bạn đã sẵn sàng thưởng thức “màn trình diễn ánh sáng” mùa Đông rực rỡ này chưa?

Nhóm dịch thuật HAS

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here