Bình minh sớm nhất ở Bắc Bán Cầu thường đến trước ngày hạ chí

0
62
Bình minh sớm nhất xảy ra trước ngày hạ chí. Hình ảnh trên là cảnh Mặt Trời mọc được Ann Murray chụp từ Frederiksted, St. Croix, Quần đảo Virgin vào ngày 23 tháng 04 năm 2023
Hạ chí mang lại thời điểm có độ dài ban ngày lớn nhất trong năm ở Bắc Bán Cầu, nhưng bình minh sớm nhất lại thường đến trước đó vài ngày
  • Thời điểm xảy ra? Ngày chính xác có bình minh sớm nhất thay đổi theo vĩ độ. Ví dụ, đối với Bắc Bán Cầu, Mặt Trời mọc sớm nhất có thể rơi vào cuối tháng 05. Tại Việt Nam, Mặt Trời mọc sớm nhất xảy ra trong khoảng hai tuần trước ngày hạ chí.
  • Hạ chí diễn ra khi nào? Hạ chí ở Bắc Bán Cầu sẽ diễn ra vào lúc 03 giờ 51 phút rạng sáng ngày 21 tháng 06 năm 2024 (theo giờ Việt Nam)
Mặt Trời mọc trên Đại Tây Dương từ đảo St. Simons, Georgia. Nguồn ảnh: Marcy Curran .
1. Bình minh sớm nhất thay đổi theo vĩ độ
Ngày chính xác có bình minh sớm nhất thay đổi theo vĩ độ. Ở vĩ độ 40 độ Bắc – chẳng hạn như vĩ độ của Philadelphia ở Pennsylvania, Biển Địa Trung Hải hay miền bắc Nhật Bản – Mặt Trời mọc sớm nhất trong năm xảy ra vào hoặc gần ngày 14 tháng 06. Trong khi đó, ngày dài nhất trong năm – ngày có tổng thời gian Mặt Trời nằm phía trên đường chân trời lớn nhất – diễn ra vào ngày hạ chí 21 tháng 06
Điều này cũng đúng với các khu vực khác của Bắc Bán Cầu khi ngày có bình minh sớm nhất (hay hoàng hôn muộn nhất) không rơi vào chính xác ngày hạ chí. Trên thực tế, ở những nơi nằm gần đường xích đạo, bình minh sớm nhất thường đến vào cuối tháng 05 hoặc đầu tháng 06 và hoàng hôn muộn nhất xảy ra vào một ngày đầu tháng 07. Ví dụ, ở Hawaii, Mặt Trời mọc sớm nhất diễn ra trước hạ chí khoảng hai tuần và Mặt Trời lặn muộn nhất sau hạ chí khoảng hai tuần. Càng đi xa về phía bắc, thời điểm bình minh sớm nhất (hay hoàng hôn muộn nhất) xảy ra càng gần ngày hạ chí
Rupesh Sangoi đã chụp được những bức ảnh riêng biệt về cảnh Mặt Trời mọc cho thấy chuyển động dọc theo đường chân trời của ngôi sao này từ thời điểm hạ chí đến đông chí. Nguồn ảnh: Rupesh Sangoi
2. Tại sao Mặt Trời mọc sớm nhất không xảy ra vào ngày hạ chí?
Bình minh sớm nhất xuất hiện trước ngày hạ chí vì ngày dài hơn 24 giờ vào thời điểm này trong năm. Cụ thể, độ dài của ngày (được đo bằng khoảng thời gian giữa hai lần giữa trưa liên tiếp) dài hơn gần 1/4 phút so với 24 giờ. Do đó, buổi trưa Mặt Trời đến muộn hơn theo đồng hồ vào ngày hạ chí so với trước đó một tuần. Vì vậy, thời gian Mặt Trời mọc hay lặn cũng đến muộn hơn theo con số hiển thị trên đồng hồ
So sánh thời gian Mặt Trời mọc, buổi trưa Mặt Trời, Mặt Trời lặn và độ dài ban ngày từ Philadelphia (40 độ Bắc) và Valdivia (40 độ Nam). Số liệu được thu thập từ Timeanddate. Nguồn ảnh: EarthSky
3. Tại sao lại là trước ngày hạ chí mà không phải sau?
Lý do chính khiến Mặt Trời mọc sớm hơn trước ngày hạ chí là do độ nghiêng của trục quay Trái Đất. Điều này khiến cho bình minh sớm nhất luôn diễn ra trước ngày hạ chí ngay cả khi quỹ đạo của Trái Đất quanh Mặt Trời là một đường tròn hoàn hảo
Tuy nhiên, quỹ đạo elip của Trái Đất cũng ảnh hưởng lớn đến thời điểm xảy ra hiện tượng này. Vào ngày hạ chí, Trái Đất tương đối gần điểm viễn nhật – điểm xa Mặt Trời nhất trên quỹ đạo – điều này làm giảm hiệu ứng hơn so với khi Trái Đất ở gần điểm cận nhật vào cuối năm
Để dễ thấy, ở các vĩ độ trung bình, bình minh sớm nhất ở Bắc Bán Cầu diễn ra khoảng một tuần trước ngày hạ chí và hoàng hôn muộn nhất xảy ra khoảng sau hạ chí một tuần. Đến cuối năm, hoàng hôn sớm nhất đến trước hai tuần so với ngày đông chí, trong khi bình minh muộn nhất xảy ra khoảng hai tuần sau ngày đông chí
Elizabeth June ở Clarklake, Michigan, đã chụp được hình ảnh này vào ngày 23 tháng 05 năm 2023 và viết: “Tôi là người săn tìm hoàng hôn và hầu như đêm nào cũng chụp lại cảnh tượng thú vị này… Tôi đứng ở cuối bến tàu và ghi lại khung cảnh tuyệt đẹp này bằng chiếc iPhone của chính mình!”. Nguồn ảnh: Elizabeth June
Theo EarthSky
Hội Thiên văn Hà Nội (HAS)
Dịch và biên tập: Phan Quân

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here