Quan sát các hành tinh và Mặt Trăng trên bầu trời đêm tháng 06 năm 2024

0
55
Sao Kim và Sao Mộc phía trên bầu trời Italya. Nguồn ảnh: Giovanni Tumino
Bắt đầu từ cuối tháng 05 đến đầu tháng 06, sáu trong số tám hành tinh lớn trong Hệ Mặt Trời của chúng ta sẽ xuất hiện trên bầu trời phía đông trước khi Mặt Trời mọc. Trong đó, buổi sáng ngày 04 hoặc 05 tháng 06 có lẽ là thời gian tốt nhất để quan sát
1. Ngày 01 – 02 tháng 06: Mặt Trăng nằm giữa Sao Thổ và Sao Hỏa
Vào hai ngày đầu tiên của tháng 06, bạn sẽ tìm thấy Trăng lưỡi liềm nằm giữa Sao Thổ và Sao Hỏa và rất gần Sao Hải Vương. Tuy nhiên, để tìm kiếm được hành tinh băng giá khổng lồ này, một chiếc kính thiên văn cùng một bầu trời tối là điều cần thiết. Cả Sao Thổ, Sao Hỏa cũng như Mặt Trăng hay Sao Hải Vương sẽ xuất hiện trên bầu trời vài giờ trước khi Mặt Trời mọc. Sao Thủy, Sao Mộc và Sao Thiên Vương cũng tham gia màn trình diễn, tuy nhiên, chúng sẽ lấp ló ở gần đường chân trời trong khoảng nửa tiếng ngay trước bình minh
Bầu trời sáng ngày 01 tháng 06 năm 2024. Mặt Trăng xuất hiện ngay cạnh Sao Hải Vương. Ngoài ra còn có sự xuất hiện theo thứ tự cao dần là Sao Mộc, Sao Thủy, Sao Thiên Vương, Sao Hỏa, Sao Thổ. Ngoại trừ Sao Thiên Vương và Sao Hải Vương cần quan sát thông qua các thiết bị quang học hỗ trợ, các hành tinh còn lại đều có thể dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Nguồn ảnh: Stellarium
2. Ngày 02 tháng 06: Mặt Trăng đạt vị trí cận địa
Mặt Trăng sẽ đi qua vị trí cận địa – vị trí gần Trái Đất nhất dọc theo quỹ đạo của nó – vào lúc 14 giờ 16 phút ngày 02 tháng 06. Lúc đó, vệ tinh này ở cách chúng ta 368.102 km.
Khoảng cách giữa Mặt Trăng và Trái Đất thay đổi do quỹ đạo của vệ tinh này quay hành tinh của chúng ta không phải là một đường tròn hoàn hảo mà. Khi nó di chuyển, khoảng cách này thay đổi khoảng 14%, từ 356.500 km ở điểm cận địa (điểm gần Trái Đất nhất) tới 406.700 km ở điểm viễn địa (điểm xa Trái Đất nhất). Điều này cũng khiến kích thước góc của của Mặt Trăng thay đổi với cùng hệ số, từ 29,4 giây cung tới 33,5 giây cung. Độ sáng cũng có thay đổi đôi chút, tuy nhiên, điều này sẽ khó phát hiện ra do sự thay đổi các pha của Mặt Trăng đang đồng thời diễn ra
Mô tả khoảng cách từ Trái Đất tới Mặt Trăng tại điểm cận địa (perigee) và điểm viễn địa (apogee). Nguồn ảnh: NASA
3. Ngày 03 tháng 06: Mặt Trăng tiến tới gần Sao Hỏa
Màn diễu hành của sáu hành tinh tiếp tục diễn ra vào ngày 03 tháng 06 khi phần Trăng lưỡi liềm mỏng cuối tháng hướng về phía hành tin Đỏ. Cùng lúc đó, gần đường chân trời, Sao Mộc đang tiến gần hơn tới Sao Thủy và sẽ sớm vượt mặt hành tinh này trong thời gian sắp tới. Sao Thổ sẽ cao hơn một chút trên bầu trời hướng đông trước bình minh. Tất cả sáu hành tinh đều sẽ hiện diện đầy đủ trên bầu trời khoảng nửa giờ đồng hồ trước khi Mặt Trời mọc

 

Mặt Trăng tiến đến gần và giao hội với Sao Hỏa trên bầu trời sáng ngày 03 tháng 06 ở khoảng cách 2°09′. Nguồn ảnh: Stellarium
4. Ngày 04 tháng 06: Sao Kim đạt vị trí giao hội ngoài
Quỹ đạo của Sao Kim sẽ đưa hành tinh này đến rất gần Mặt Trời trên bầu trời khiến nó hoàn toàn không thể quan sát được trong vài tuần khi bị khuất trong ánh sáng chói chang của Mặt Trời. Cùng lúc đó, Sao Kim cũng đi qua điểm xa Trái Đất nhất vì nó nằm đối diện hoàn toàn với Trái Đất qua Mặt Trời. Lúc này, nó cách hành tinh của chúng ta 1,74 AU, được chiếu sáng đầy đủ với đường kính góc chỉ 9,6 giây cung
Điều này xảy ra một lần trong mỗi chu kỳ giao hội của Sao Kim (584 ngày), đánh dấu kết thúc sự xuất hiện của hành tinh này trên bầu trời buổi sáng và sẽ trở lại thành một chấm sáng rực rỡ trên bầu trời buổi tối trong vài tuần tới
Biểu đồ thể hiện vị trí giao hội trong và giao hội ngoài của Sao Kim trên quỹ đạo. Nguồn ảnh: John Jardine Goss / EarthSky
5. Ngày 04 – 05 tháng 06: Sao Mộc và Sao Thủy đổi chỗ cho nhau
Vào buổi sáng ngày 04 tháng 06, Sao Mộc là một chấm sáng rực rỡ gần đường chân trời hơn, trong khi Sao Thủy mờ nhạt mà chỉ nằm cao hơn khoảng nửa độ phía trên. Tuy nhiên, chỉ ngay ngày hôm sau 05 tháng 06, cả hai đã đổi chỗ cho nhau khi Sao Thủy bị Sao Mộc vượt mặt và thay thế hành tinh này trở thành điểm kết thúc của màn trình diễn với sự xuất hiện của sáu hành tinh trong đầu tháng 06. Mặt Trăng lưỡi liềm mỏng cuối tháng cũng xuất hiện gần cặp đôi này tạo nên khung cảnh tuyệt vời hơn
Sao Mộc và Sao Thủy đổi chỗ cho nhau trên bầu trời trong những ngày cuối cùng có đủ sự hiện diện của sáu hành tinh trên bầu trời buổi sáng. Nguồn ảnh: Stellarium
6. Ngày 06 – 07 tháng 06: Cơ hội cuối cùng được chiêm ngưỡng sáu hành tinh trên bầu trời buổi sáng
Cơ hội cuối cùng để bạn chụp được cả sáu hành tinh trên bầu trời trước khi Mặt Trời mọc có lẽ là ngày 06 hoặc 07 tháng 06 năm 2024. Sao Thủy đang lao nhanh về phía đường chân trời, trong khi đó, Sao Mộc ở cao dần trên bầu trời. Chẳng bao lâu nữa, Sao Thủy sẽ đằm mình vào ánh sáng bình minh chói chang và biến mất khỏi bầu trời buổi sáng. Trừ Sao Thủy ra, các hành tinh còn lại vẫn sẽ hiện diện ở vùng trời này trong suốt tháng 06 sắp tới
Khoảng thời gian cuối cùng có đầy đủ sự xuất hiện của sáu hành tinh trên bầu trời. Sao Thủy đang ẩn hình về phía đường chân trời và sẽ sớm khuất bóng, trong khi đó, các hành tinh còn lại vẫn ở lại đây tỏa sáng trong suốt tháng. Nguồn ảnh: Stellarium
7. Ngày 06 tháng 06: Trăng mới tháng Năm âm lịch
Trăng mới tháng Năm âm lịch sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 38 phút ngày 06 tháng 06. Đây là thời điểm thích hợp để quan sát các vật thể sâu trên bầu trời đêm khi không bị ánh Trăng sáng quấy nhiễu
8. Ngày 14 tháng 06: Sao Thủy đạt vị trí giao hội ngoài
Sao Thủy sẽ di chuyển ra phía sau Mặt Trời và đạt đến vị trí giao hội ngoài vào ngày 14 tháng 06. Cũng như Sao Kim, đây là lúc đánh dấu sự kết thúc của lần xuất hiện trên bầu trời buổi sáng của Sao Thủy. Hành tinh này sẽ ẩn mình ánh sáng chói chang của Mặt Trời trước khi trở lại trên bầu trời buổi tối từ cuối tháng 06 tới đây
9. Ngày 22 tháng 06: Trăng tròn tháng Năm âm lịch
Mặt Trăng đạt đến pha đầy đủ vào lúc 08 giờ 07 phút sáng ngày 22 tháng 06. Vào thời điểm này trong tháng, nó có thể được nhìn thấy gần như trong suốt đêm, mọc lên vào lúc hoàng hôn và lặn đi khi bình minh đến
Lần trăng tròn này còn được gọi là “Trăng dâu”. Cách đặt tên này được phổ biến trong những thập kỷ gần đầy bởi “Farmers’ Almanac” (Niên giám Nông dân) ở Hoa Kỳ. Những cái tên được sử dụng trong niên giám có nguồn gốc từ các bộ lạc bản địa. Theo đó, bất kỳ lần Trăng tròn nào xảy ra trong tháng 06 đều được gọi là “Trăng dâu”
Thời điểm Trăng tròn chính xác được định nghĩa là khi kinh độ hoàng đạo của Mặt Trời cách chính xác 180° so với kinh độ hoàng đạo của Mặt Trời khi chọn Trái Đất làm điểm tham chiếu. Tuy nhiên, Mặt Trăng không xuất hiện theo một cách đặc biệt nào tại thời điểm này và vệ tinh này trông khá “tròn trịa” trong những đêm xung quanh thời điểm Trăng tròn
Tại thời điểm đạt đến pha đầy đủ, Mặt Trăng xuất hiện trong chòm sao Sagittarius và cách Trái Đất 380.000 km. Vệ tinh này tỏa sáng với độ sáng biểu kiến – 12,8 cùng đường kính góc 31’25”. Nó sẽ thống trị bầu trời trong suốt đêm và làm lu mờ bất kì vật thể nào tối hơn nó trên bầu trời đêm, khiến đây không phải khoảng thời gian thuận lợi để chúng ta quan sát các vật thể mờ như tinh vân hay thiên hà.
Trăng tròn mọc lên từ lâu đài Lubovna ở miền đông Slovakia. Bức ảnh được chụp vào ngày 13 tháng 07 năm 2022 từ khoảng cách tớ lâu đài khoảng 3 km vào lúc Mặt Trăng ngay gần thời gian đạt vị trí cận địa. Trong hình ảnh, sự khúc xạ khí quyển tạo ra chóp xanh được bao quanh bởi những đám mây mỏng ở gần đỉnh cùng với vành màu đỏ dọc theo mép dưới của Mặt Trăng. Nguồn ảnh: Petr Horalek
10. Ngày 27 tháng 06: Mặt Trăng đạt vị trí cận địa
Mặt Trăng sẽ đi qua điểm gần Trái Đất nhất trong chu kỳ quỹ đạo này của nó vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 27 tháng 06 ở khoảng cách 369.286 km.
Trên thực tế, so với thời điểm đi qua vị trí viễn địa, kích thước góc của Mặt Trăng chỉ thay đổi đôi chút, tuy nhiên, một ảo ảnh quang học phổ biến khiến chúng ta cảm giác vệ tinh này lớn hơn rất nhiều so với thực tế khi ở gần đường chân trời. Đây được gọi là ảo ảnh Mặt Trăng và nó không khác gì hơn là một ảo ảnh. Bất kỳ bức ảnh nào cũng tiết lộ cho ta thấy, Mặt Trăng có cùng kích thước bất kể nó xuất hiện ở vị trí nào. Lý do tại sao chúng ta cảm nhận được ảo ảnh quang học này đang được tranh luận sôi nổi
11. Ngày 28 tháng 06: Mặt Trăng ghé thăm Sao Thổ
Vào sáng sớm ngày 28 tháng 06, Trăng khuyết sẽ xuất hiện gần Sao Thổ. Nếu bạn ở khu vực phía đông Australia, đông bắc New Zealand, Fiji và New Caledonia, một cảnh tượng ngoạn mục sẽ diễn ra khi Mặt Trăng đi qua phía trước và che khuất Sao Thổ. Sự kiện này bắt đầu từ tối ngày 27 tháng 06 và kết thúc vào rạng sáng ngày 28 tháng 06
Thật không may, lần che khuất này sẽ không thể quan sát được tại Việt Nam
Mặt Trăng xuất hiện cạnh Sao Thổ trên bầu trời buổi sáng ngày 28 tháng 04. Bên cạnh Sao Thổ, bạn có thể nhìn thấy Sao Hải Vương, Sao Hỏa, Sao Thiên Vương và Sao Mộc cùng nhau tỏa sáng ở phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc. Nguồn ảnh: Stellarium

Các hành tinh có thể nhìn thấy trên bầu trời tháng 06 năm 2024

Sao Thủy xuất hiện trên bầu trời buổi tối vào cuối tháng 06 bên cạnh sự xuất hiện ngắn ngủi vào đầu tháng ở gần đường chân trời hướng Đông ngay trước khi Mặt Trời mọc. Một chiếc ống nhòm sẽ giúp bạn dễ dàng tìm ra thế giới nhỏ bé này. Nó sẽ đạt tới vị trí ly giác cực đại vào ngày 22 tháng 07 sắp tới. Đây là lần xuất hiện tuyệt vời để quan sát vào đầu buổi tối với những người quan sát ở Nam bán cùa. Hành tinh này có thể được nhìn thấy trong chòm sao Gemini và lặn đi khoảng một giờ sau khi Mặt Trời lặn vào cuối tháng
Sao Thủy xuất hiện ở phía trên đường chân trời hướng Tây ngay sau khi Mặt Trời lặn vào cuối tháng. Nếu để ý kỹ, bạn sẽ nhận ra sự xuất hiện thoáng chốc của Sao Kim, tuy nhiên, hành tinh này sẽ chỉ ở đó khoảng chừng 5 – 10 phút trước khi lặn đi. Nguồn ảnh: Stellarium
Sao Kim đi qua vị trí giao hội trong vào ngày 04 tháng 06 và còn ở quá gần Mặt Trời trong tháng này. Bạn vẫn có thể nhận ra sự trở lại của hành tinh này thoáng chốc vào cuối tháng ở ngay sát đường chân trời. Tuy nhiên, nó biến mất sau 5 – 10 phút kể từ khi Mặt Trời lặn. Bạn có thể chờ đến cuối tháng sau khi Sao Kim ở lại bầu trời cao hơn và lâu hơn, tạo điều kiện có bạn có nhiều thời gian hơn để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hành tinh này
Sao Hỏa sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến 1 cùng với đường kính đĩa sáng tăng từ 5′ lên 5,4′ vào cuối tháng. Mặt Trăng lưỡi liềm cũng ghé thăm hành tinh Đỏ vào ngày 03 tháng 06. Bắt đầu tháng, bạn có thể tìm thấy Sao Hỏa trong chòm sao Pisces mờ ảo. Nó sẽ di chuyển đến chòm sao Aries vào khoảng ngày 10 – 11 tháng 06. Hành tinh này sẽ xuất hiện khoảng haigiờ trước khi Mặt Trời mọc vào đầu tháng và khoảng ba giờ vào cuối tháng
Sao Thổ với độ sáng biểu kiến là 1 xuất hiện ở cao trên bầu trời phía đông vào tháng này. Hệ thống vành đai của hành tinh này đang dần biến mất khỏi tầm nhìn của chúng ta và sẽ trở nên vô hình vào năm sau. Sao Thổ sẽ dành cả tháng trong chòm sao hoàng đạo mờ nhạt Aquarius và kết thúc tháng với sự đồng hành của Mặt Trăng. Đối với những người quan sát ở miền đông Australia, đông bắc New Zealand, Fiji và New Caledonia, vào đêm muộn ngày 27, rạng sáng ngày 28 tháng 06, hãy bước ra ngoài để quan sát Mặt Trăng che khuất Sao Hỏa. Vào đầu tháng, hành tinh này sẽ mọc lên bầu trời từ khoảng 02 giờ sáng và đến cuối tháng, nó sẽ xuất hiện từ sau nửa đêm
Sao Mộc đã trở nên dễ quan sát hơn trong tháng này. Nó sẽ ở trong chòm sao Taurus, gần cụm sao mở Pleiades. Với độ sáng biểu kiến là – 1,8 tương đối nổi bật, tuy nhiên, trong điều kiện ánh sáng ngày mới tràn ngập vùng trời này, sự nổi bật này có thể bị suy giảm đi đôi chút. Sao Mộc sẽ chỉ xuất hiện trước khi Mặt Trời mọc 30 phút vào đầu tháng và khoảng hai giờ vào cuối tháng. Trong tháng, hành tinh này có màn giao hội rất gần với Sao Thủy vào ngày 04 tháng 06, tuy nhiên, rất khó để quan sát được lần gặp gỡ này trong ánh sáng chạng vạng.
(Theo EarthSky, In-The-Sky)
Hội Thiên văn Hà Nội (HAS)
Dịch và biên tập: Phan Quân

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here