Sứ giả ánh sao | Bầu trời tháng 5-2023 có gì thú vị?

0
148

Sứ giả ánh sao (Sidereus Nuncius, Starry Messenger) là tên một tác phẩm quan trọng của nhà thiên văn học vĩ đại Galileo Galilei. Trong đó, ông trình bày những thành quả đầu tiên gặt hái thông qua chiếc kính thiên văn ông mới chế tạo. Đó là núi non trên Mặt Trăng, Ngân Hà cấu tạo nên từ vô vàn ngôi sao nhỏ li ti, hay Sao Mộc có mấy đốm sáng nhỏ quay quanh. 

Lấy cảm hứng từ tác phẩm này, HAS giới thiệu chuyên mục “Sứ giả ánh sao” nhằm giới thiệu với bạn đọc những hiện tượng thiên văn thú vị, những kỳ quan không thể bỏ lỡ trong tháng, hay đơn giản là những thiên thể chúng ta hằng quen thuộc. Trong tháng Năm này, hãy cùng xem vũ trụ sẽ dành cho những người yêu ánh sao trời như bạn điều gì đặc biệt…

1. Chờ đón các hiện tượng thiên văn

1.1. Mưa sao băng Eta Aquarids

Tháng Năm là tháng của mưa sao băng Eta Aquarids. Mưa sao băng này hoạt động từ ngày 19 tháng 4 đến 28 tháng 5 hằng năm và có nguồn gốc từ sao chổi nổi tiếng Halley. Ở Nam bán cầu, mưa sao băng này có thể đạt tần suất lên tới 60 vệt/giờ. Trong khi ở Bắc bán cầu, con số đó chỉ bằng một nửa.

Thật đáng tiếc đêm ngày 5/5, rạng sáng ngày 6/5 năm nay – thời điểm mưa sao băng Eta Aquarids đạt cực đại, lại rơi ngay vào đêm Trăng tròn. Hệ quả là chắc chắn nhiều vệt sao băng sẽ bị ánh trăng sáng “vùi dập” không thương tiếc.

Đêm nay, Việt Nam đón "đỉnh" mưa sao băng từ sao chổi Halley nổi tiếng - Báo Người lao động
Nguồn hình ảnh: DKINGHAM PHOTOGRAPHY

2.2. Nguyệt thực nửa tối

Cũng vào đêm ngày 5/5, rạng sáng ngày 6/5, người Việt Nam có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối. Khác với nguyệt thực toàn phần hoặc bán phần, Mặt Trăng trong kỳ nguyệt thực nửa tối chỉ bị tối đi đôi chút, chứ không chuyển sang màu đỏ. Nên nói thật đây không phải là hiện tượng thiên văn hấp dẫn cho lắm.

Tại Hà Nội, hiện tượng này bắt đầu lúc 22:14 (ngày 5/5), đạt cực đại lúc 00:22 (ngày 6/5), và kết thúc lúc 02:31 (ngày 6/5).

2. Gặp gỡ Mặt Trăng

Trăng tròn trong tháng Năm sẽ diễn ra vào lúc 17:36 ngày 5/5 theo giờ UTC (tức 00:36 ngày 6/5 giờ VN). Như đã nói ở trên, pha trăng tròn lần này sẽ diễn ra đồng thời với hiện tượng nguyệt thực nửa tối.

Trăng tròn tháng Năm được người thổ dân châu Mỹ xưa kia gọi là Trăng hoa bởi đây là thời điểm hoa mùa xuân đang độ mãn khai. Ngoài ra, trăng tròn lần này cũng còn được gọi là Trăng trồng ngô hoặc Trăng sữa.

Pha trăng mới tháng Năm diễn ra sau đó hai tuần, vào ngày 19/5. Đây không phải là điều gì thú vị để quan sát bởi đơn giản vào ngày này, Mặt Trăng sẽ không hề xuất hiện trên bầu trời. Tuy nhiên, nhờ thế mà việc quan sát các vì sao cùng các thiên thể sâu sẽ thuận lợi hơn.


SOI TỎ MẶT TRĂNG

Trong tháng Năm này, hãy cùng hướng ống nhòm và kính thiên văn lên để ngắm miệng hố Copernicus – một trong những địa danh nổi tiếng nhất trên Mặt Trăng.

A peek inside the Moon with Copernicus - by Jatan Mehta
Miệng hố Copernicus nằm ở phía Đông của Đại dương Bão tố (Oceanus Procellarum). Nguồn ảnh: Jatan Mehta

Miệng hố này, chắc hẳn bạn đã biết, được đặt tên theo tên của nhà thiên văn học vĩ đại người Ba Lan, Nicolaus Copernicus – người đã khởi xướng thuyết Nhật Tâm, qua đó mở ra một trang sử mới cho thiên văn học.

Có một câu chuyện hài hước liên quan đến việc đặt tên cho miệng hố này. Vào thế kỷ 17, Giovanni Riccioli đặt tên cho miệng hố Copernicus, nhưng không phải vì ông ta hâm mộ Copernicus. Mà ngược lại, vì là tín đồ thuyết Địa Tâm, nên ông ta rất ghét Copernicus. Thế là ông ta bèn “ném cái tên Copernicus lên Đại dương Bão tố” để tõ rõ sự khinh ghét của mình.

Ông ta không ngờ rằng ngày nay, hố Copernicus, với đường kính 90 km, được coi là miệng hố đẹp nhất trên Mặt Trăng, mang biệt danh “Quốc vương của Mặt Trăng” (the Monarch of the Moon).


3. Ghé thăm gia đình các hành tinh

Sao Kim là tiêu điểm của tháng Năm. Hành tinh này sẽ tỏa sáng như một “Sao Hôm” ở hướng Tây, sau khi Mặt Trời lặn. Vào chiều ngày 23/5, hành tinh này sẽ có một cuộc gặp gỡ (giao hội) với Trăng lưỡi liềm đầu tháng. Hai thiên thể sẽ cách nhau chừng 2 độ trên bầu trời chạng vạng tối.

Watch the crescent Moon slide by Venus on Sunday | Astronomy.com
Giao hội giữa Sao Kim và Trăng lưỡi liềm. Nguồn: Astronomy Magazine

Sao Hỏa tỏa sáng yếu, chỉ ở quanh cấp sao +1,3 và +1,5. Hành tinh này sẽ xuất hiện trên bầu trời buổi tối ở phía Tây, lặn lúc nửa đêm. Nửa đầu tháng, nó sẽ ở trong chòm trong chòm sao Song Tử (Gemini) và nửa cuối tháng sẽ du ngoạn sang chòm Cự Giải (Cancer).

Sao Thổ trong tháng Năm sẽ mọc lúc nửa đêm về sáng ở hướng Đông, trong địa phần chòm sao Bảo Bình (Aquarius). Càng về cuối tháng nó sẽ càng mọc sớm hơn. Bạn chỉ có thể quan sát hành tinh này vài tiếng trước khi Mặt Trời mọc.

Sao Mộc đang ở thời điểm bất lợi cho quan sát. Hành tinh này mọc lúc tờ mờ sáng, nên gần như cả ngày nó chu du cùng Mặt Trời chói chang.

Sao Thủy luôn là một hành tinh khó quan sát. Vào ngày 29/5, Sao Thủy sẽ đạt tới vị trí ly giác Tây cực đại. Có nghĩa là nó sẽ dễ quan sát nhất vào sáng sớm, ở hướng Đông, ngay trước khi Mặt Trời mọc. Nhưng ngay cả như vậy, tìm được hành tinh này vẫn là thử thách.

Hình dạng của các hành tinh khi quan sát từ Trái Đất trong tháng 5/2023. Để có thể nhận ra được hình dạng của các hành tinh bạn cần phải có kính thiên văn phù hợp. Ảnh: Sky at Night Magazine

4. Làm bạn với các chòm sao

Tháng Năm là thời điểm tiết trời vào hạ, Mặt Trời ngày càng lặn muộn hơn, các vì sao buổi tối cũng vì thế mà ngày càng xuất hiện trên nền trời muộn hơn.

Chập tối, dấu vết của bầu trời mùa đông – chòm Lạp Hộ (Thợ Săn/Orion), chòm Đại Khuyển (Canis Major), chòm Song Tử (Gemini) – dần dần chìm xuống mất tăm mất dạng nơi chân trời phía Tây.

Cùng lúc đó ở chân trời phía Đông, các chòm sao mùa xuân nổi tiếng đang bắt đầu mọc lên, đó là dũng sĩ Hercules đang cầm gậy (chòm Vũ Tiên) hay người đàn ông đang quấn quanh người một con mãng xà (chòm Xà Phu/Ophiuchus). Muộn hơn nữa, các chòm sao mùa hạ như Thiên Nga (Cygnus) hay Thiên Yết (Bọ Cạp/Scorpius) bắt đầu nhô khỏi chân trời.

Đọc thêm: 5 chòm sao bạn cần biết trên bầu trời mùa xuân

CHÒM SƯ TỬ (LEO): Ngay từ đầu buổi tối, chòm sao Hoàng Đạo nổi tiếng Sư Tử (Leo) đã hùng dũng ngự ngay trên đỉnh đầu. Đầu sư tử, tạo thành từ 6 ngôi sao gọi là mảng sao “Cái liềm” (The Sickle), đang nhìn hướng về chân trời phía Tây.

CHÒM XỬ NỮ (VIRGO): Mọc và lặn ngay sau Sư Tử là chòm sao Xử Nữ, mang dáng hình một người trinh nữ cầm nhánh lúa trên tay. Chòm sao này không có mẫu hình sao dễ nhận như Sư Tử, tuy nhiên nó lại có sao Spica – ngôi sao sáng thứ 16 trên bầu trời đêm.

ASYCB0422_05
Cụm sao mở Coma. Ảnh: Alan Dyer

CHÒM HẬU PHÁT (CORONA BERENICES): Mang cái tên gắn liền với hoàng hậu Berenices của Ai Cập cổ đại, chòm Hậu Phát rất đáng để nhắc tới dù kích thước khiêm tốn. Bên trong chòm sao này ta có thể tìm thấy cụm sao mở Com (Coma Star Cluster; Melotte 111), đạt độ sáng +1,8 và chứa khoảng 40 sao mờ. Ngoài ra trong chòm sao này còn chứa tới 8 thiên thể Messier, một kho báu rất tuyệt vời dành cho nhà quan sát trang bị kính thiên văn.

Xem chòm sao nào đang hiện diện trên trời tại Stellarium

Tham khảo: Sky at Night Magazine, Seasky, Constellation-guide, en.wikipedia v.v.

Biên soạn: Earthgrazer

 

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here