Ảo ảnh Mặt Trăng: Tại sao đôi khi Mặt Trăng lại trông lớn hơn khi ở gần đường chân trời?

0
19
Siêu Trăng xảy ra khi Mặt Trăng đạt vị trí cận địa tại chính xác hoặc xung quanh thời điểm Trăng tròn. Nguồn ảnh: Reddit
Tại sao Mặt Trăng trông rất lớn hơn khi nó mọc hoặc lặn? Ảo ảnh Mặt Trăng là tên gọi của “trò lừa bịp” mà não bộ của chúng ta tác động lên bản thân. Các bức ảnh chứng minh rằng, Mặt Trăng có kích thước biểu kiến không đổi khi ở gần đường chân trời cũng như ở cao trên bầu trời, nhưng đó không phải là những gì mà mắt chúng ta sẽ cảm nhận. Vì vậy, đó là một ảo ảnh bắt nguồn từ cách não bộ của chúng ta xử lý thông tin. Mặc dù chúng ta đã quan sát hàng nghìn năm, nhưng vẫn chưa có một lời giải thích khoa học thỏa đáng cho lý do chính xác tại sao chúng ta lại thấy như vậy
Nguồn ảnh: NASA/Bill Dunford
Đi ra ngoài vào đêm Trăng tròn và tìm một vị trí để xem nó mọc lên. Khi chúng ta quan sát Mặt Trăng ở gần đường chân trời, nó thường trông rất khổng lồ, cho dù nó đang ló lên phía trên một ngọn núi ở xa, nhô lên từ mặt biển hoặc lơ lửng sau cảnh quan thành phố hay thấp thoáng trên bụi cây. Nhưng đây là vấn đề: tất cả đều được xử lý trong đầu bạn. Sự to lớn của Mặt Trăng là một ảo ảnh, chứ không phải là ảnh hưởng của bầu khí quyển hoặc một số tác nhân vật lý. Bạn có thể chứng minh diều đó bằng nhiều cách sau
1, Cách chứng minh ảo ảnh Mặt Trăng
Giơ ngón trỏ của bạn đặt ngay cạnh Mặt Trăng, cánh tay duỗi thẳng, bạn sẽ thấy Mặt Trăng và đốt tay của mình có cùng kích thước. Hoặc thử nhìn Mặt Trăng qua ống giấy, hoặc cúi người và nhìn ra phía sau giữa hai chân. Khi bạn quan sát nó như vậy, Mặt Trăng dường như sẽ không còn lớn như trước nữa. Một cách khác để kiểm tra kích thước Mặt Trăng là chụp ảnh khi nó ở gần đường chân trời và khi nó ở trên cao. Nếu bạn giữ nguyên cài đặt máy ảnh, bạn sẽ thấy Mặt Trời có cùng chiều rộng khi đặt hai bức ảnh cạnh nhau.
Các nhiếp ảnh gia có thể mô phỏng ảo ảnh Mặt Trăng bằng cách sử dụng một ống kính dài để chụp ảnh Mặt Trăng thấp trên đường chân trời, với sự xuất hiện của các tòa nhà, ngọn núi hoặc cây cối trong khung hình. Vì vậy, hãy nhớ khi bạn nhìn những bức ảnh đó, Mặt Trăng khổng lồ đang nằm ngay phía trên tiền cảnh: những hình ảnh đó được tạo ra bằng cách phóng to vật thể ở xa gần mặt đất. Nói cách khác, Mặt Trăng trông lớn hơn trong những bức ảnh đó vì đó là một chế độ xem đang được phóng to
Siêu Trăng mọc lên vào ngày 03 tháng 12 năm 2017 tại Washington. Trăng tròn này là lần Siêu Trăng đầu tiên trong số ba lần Siêu Trăng tròn liên tiếp. Hai lần tiếp theo xảy ra vào ngày 01 tháng 01 và ngày 31 tháng 01 năm 2018. Nguồn ảnh: NASA/Bill Ingalls
2, Mặt Trăng trông sẽ “vàng hơn” khi ở gần đường chân trời
Có một cách đáng chú ý đến sự khác biệt của Mặt Trăng khi ở đường chân trời. Nó có xu hướng có màu vàng hoặc cao hơn so với khi ở trên cao. Điều này xảy ra do ánh sáng của Mặt Trăng truyền đi với một khoảng cách xa hơn qua bầu khí quyển. Khi đó, các ánh sáng có bước sóng ngắn sẽ bị phân tán, để lại nhiều ánh sáng có bước sóng dài hơn, đỏ hơn tới chúng ta. Bụi hoặc ô nhiễm ánh sáng cũng có thể làm màu đỏ trở nên đậm hơn
3, Tại sao chúng ta lại nhìn thấy ảo ảnh Mặt Trăng?
Phải nhấn mạnh lại một điều: chúng ta thực sự không biết chắc chắn. Mà cũng không hẳn vậy. Tùy thuộc vào suy nghĩ của bạn, lời lý giải này có thể không hài lòng tất cả mọi người hoặc nó có thể là một lý do khiến bạn ngạc nhiên về bộ não bí ẩn của chúng ta. Nhưng mặc dù thực tế là con người đã quan sát ảo ảnh này hàng nghìn năm, chúng ta vẫn chưa có một lời giải thích khoa học vững chắc về nó
Nói chung, lời giải thích được đề xuất liên quan đến một yếu tố chính về cách chúng ta nhìn nhận thế giới một cách trực quan: cách bộ não của chúng ta cảm nhận kích thước của các đối tượng ở gần hay ở xa hơn. Có vẻ như bộ não của chúng ta không biết rằng, khoảng cách của Mặt Trăng không thay đổi nhiều cho dù nó ở đâu trên bầu trời vào một đêm nhất định. Cũng có một số người nghĩ rằng, các vật thể ở tiền cảnh của chế độ xem Mặt Trăng đóng vai trò nào đó. Có lẽ cây cối, núi non và các tòa nhà giúp đánh lừa bộ não của bạn và nghĩ rằng, Mặt Trăng vừa gần hơn vừa lớn hơn. Có một hiệu ứng được phát hiện cách đây một thế kỷ được gọi là ảo ảnh Ponzo mô tả cách thức hoạt động của điều này. Trong ảo ảnh, bạn có một bức ảnh có hai đường thẳng đang tiến đến gần nhau, giống như đường ray xe lửa. Trên đầu bức ảnh, hai thanh ngang của chiều dài bằng nhau. Đáng nhạc nhiên, ở phần còn lại của bức ảnh, các thanh này dường như có kích thước khác nhau bơ vì cảm giác của não bộ về cách hoạt động của khoảng cách buộc bạn phải nhận thức nó như những gì nhìn thấy. Hiệu ứng này liên quan đến cách phối cảnh trong bức tranh
Nhưng đây cũng không phải là một lời giải thích hoàn hảo. Các phi hành gia NASA trên quỹ đạo cũng nhìn thấy ảo ảnh Mặt Trăng, nơi mà họ không có bất cứ vật thể tiền cảnh nào để làm manh mối về khoảng cách. Vì vậy, có nhiều khả năng để ảo ảnh này xuất hiện
Mặt Trăng mọc trên những ngọn núi ở Utah. Nguồn ảnh: NASA/Bill Dunford
4, Có lẽ chúng ta chỉ cần tận hưởng nó
Trong trường hợp không có lời giải thích đầy đủ cho lý do, tại sao chúng ta nhìn thấy nó như vậy, chúng ta vẫn có thể đồng ý rằng, dù thực hay ảo, Mặt Trăng “khổng lồ” vẫn là một cảnh tượng đẹp. Vì vậy, cho đến khi ai đó giải đáp chính xác bộ não của chúng ta đang làm gì, có lẽ tốt nhất là bạn nên tận hưởng ảo ảnh Mặt Trăng ngay tối nay chẳng hạn
(Theo NASA)
Hội Thiên văn Hà Nội (HAS)
Dịch và biên tập: Phan Quân

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here