Dù thời tiết có lạnh giá, mùa đông lại mang đến cho chúng ta nhiều chòm sao xinh đẹp, nổi bật nhờ những ngôi sao sáng chói. Hãy cùng khám phá 6 chòm sao trong số đó, để bạn không bao giờ phải bỡ ngỡ dưới bầu trời đêm.
Các chòm sao mùa đông là các chòm sao được quan sát tốt nhất vào các buổi tối từ cuối tháng 12 đến cuối tháng 3 ở Bắc bán cầu, và từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 9 ở Nam bán cầu.
Các chòm sao mùa đông nổi bật nhất ở bầu trời bán cầu Bắc gồm Ngự Phu, Đại Khuyển, Tiểu Khuyển, Song Tử, Thợ Săn và Kim Ngưu. Các chòm sao mùa đông ở bầu trời bán cầu Nam giống với các chòm sao mùa hạ ở bán cầu Bắc.
Để tìm các chòm sao một cách dễ dàng và chính xác nhất, bạn hãy sử dụng các phần mềm mô phỏng bầu trời. Trên PC, hãy tải về phần mềm Stellarium. Còn trên điện thoại, hãy tải các app như Star Chart, Star Walk, hoặc Night Sky lite.
CHÒM SAO THỢ SĂN
Chòm sao Thợ Săn, hay Lạp Hộ (Orion) có hình dạng giống như đồng hồ cát, đại diện cho thân người của chàng thợ săn Orion trong thần thoại, cùng với chiếc Thắt lưng Orion và Thanh gươm Orion nổi tiếng. Những ngôi sao sáng nhất của chòm sao này là Rigel và Betelgeuse, vinh dự nằm trong số 10 ngôi sao sáng nhất bầu trời. Cả hai đều là những sao siêu khổng lồ và nằm trong số những ngôi sao có cấp sao biểu kiến I cách xa Trái Đất nhất.
Hai trong số những ngôi sao thuộc chiếc thắt lưng của Orion – Alnilam và Alnitak – cũng là các sao siêu khổng lồ, trong khi ngôi sao thứ 3 là Mintaka lại là một hệ đa sao, thành phần chính bao gồm một sao khổng lồ sáng, một sao chuỗi chính lớp B và một sao cận khổng lồ lớp B. Ba vì sao tạo nên thắt lưng Orion đều thuộc quần thể OB1b, tức là chúng hình thành trong cùng một đám mây phân tử và có cùng chung một xu hướng dịch chuyển. Chính nhờ thế mà hình dạng của mảng sao này không có gì thay đổi kể từ thời cổ đại.
Thắt lưng của Orion còn được dùng để tìm ra các ngôi sao sáng lân cận. Nhìn theo đường thẳng tạo nên từ ba ngôi sao về hướng Đông, bạn có thể tìm được Sirius, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm. Hướng mắt về phía đối diện với Sirius qua thắt lưng Orion là Aldebaran, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Kim Ngưu.
Đến với Thanh gươm Orion, được mô tả là giắt trên thắt lưng của chàng thợ săn, tạo thành từ ba vì sao nằm thẳng hàng. Thiên thể ở giữa chỉ trông giống như một ngôi sao dưới mắt thường, nhưng thực tế đó là tinh vân Orion- một trong những tinh vân sáng nhất, được biết đến nhiều nhất và cũng được chụp ảnh nhiều nhất trên bầu trời. Tinh vân Orion (M42), vùng hình thành sao khổng lồ gần Hệ Mặt Trời nhất, có thể nhìn thấy bằng mắt thường mặc dù tinh vân này nằm cách Trái Đất 1344 năm ánh sáng. Trong tinh vân này tồn tại một cụm sao mở sáng mang tên Trapezium, nằm ở trung tâm của tinh vân.
Tinh vân Orion là một phần của hệ mây phân tử Orion, một vùng hình thành sao khổng lồ chứa một số vật thể sâu đáng chú ý, bao gồm tinh vân Ngọn lửa, tinh vân Đầu ngựa, Tinh vân De Mairan (M43) và M78, tinh vân khuếch tán sáng nhất trên bầu trời.
CHÒM SAO KIM NGƯU & CHÒM SAO NGỰ PHU
Kim Ngưu (Taurus) là một trong những chòm sao lâu đời nhất trên bầu trời và nó chứa một số ngôi sao và các vật thể sâu đáng chú ý. Ngôi sao sáng nhất của chòm sao, Aldebaran, là ngôi sao sáng thứ 13 trên bầu trời. Ngôi sao khổng lồ cam này có độ sáng biểu kiến là 0,85 và nằm cách Trái Đất 65,1 năm ánh sáng.
Kim Ngưu cũng là chòm sao chứa cụm sao Pleiades ( hay còn gọi là Thất Nữ; M45) và cụm sao Hyades, hai trong số những cụm sao mở gần Trái Đất nhất, và tinh vân Con Cua (M1), tàn tích của siêu tân tinh nổi tiếng trong lịch sử, được quan sát thấy năm 1054.
Chòm sao Ngự Phu (Auriga), người đánh xe trên bầu trời, chứa ngôi sao Capella, là ngôi sao sáng thứ 6 trên bầu trời, và cũng sở hữu ba cụm sao mở được nhà thiên văn học người Pháp Charles Messier đặt ký hiệu là M36, M37 và M38. Chòm sao này dễ thấy trên bầu trời bởi vì ngôi sao sáng nhất của nó là một phần của Lục giác mùa đông.
CHÒM SAO ĐẠI KHUYỂN & CHÒM SAO TIỂU KHUYỂN
Chòm sao Đại Khuyển (Canis Major) và Tiểu Khuyển (Canis Minor) chứa hai trong số các ngôi sao sáng nhất bầu trời. Sirius, hay sao Thiên Lang, là ngôi sao sáng nhất trên bầu trời đêm. Thuộc chòm sao Đại Khuyển và chỉ cách Trái Đất 8,6 năm ánh sáng, Sirius đứng thứ 5 trong số các sao gần Hệ Mặt Trời của chúng ta nhất. Nó là một hệ sao đôi gồm có một sao chuỗi chính lớp A và một sao lùn trắng lớp D. Với cấp sao biểu kiến là -1,46, Sirius có độ sáng gần gấp đôi sao Caponus – ngôi sao sáng thứ hai trên bầu trời, nằm trong chòm sao Thuyền Đế (Carina) ở bán thiên cầu Nam. Chòm sao Đại Khuyển còn chứa cụm sao mở sáng M41, nằm gần sao Sirius, và rất dễ quan sát qua một chiếc kính viễn vọng.
Procyon, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Tiểu Khuyển, đứng thứ 8 trong số các ngôi sao sáng nhất bầu trời. Nó có độ sáng biểu kiến là 0,34 và cũng là một hệ sao đôi, bao gồm một sao chuỗi chính trắng lớp F và một ngôi sao lùn trắng.
CHÒM SAO SONG TỬ
Chòm sao Song Tử (Gemini) có thể thấy ở phía Đông của chòm Kim Ngưu, giữa sao Procyon và các sao sáng trong chòm Ngự Phu. Hai ngôi sao sáng nhất của chòm sao này, Pollux và Castor, nhìn bằng mắt thường thì có vẻ giống nhau, nhưng thực tế chúng có một sự khác biệt khá rõ. Ngôi sao sáng hơn là Pollux, có độ sáng biểu kiến là 1,14 và cách chúng ta 34 năm ánh sáng, là ngôi sao khổng lồ cam gần Mặt Trời nhất. Còn Castor là một hệ sao có độ sáng biểu kiến là 1,58, cách chúng ta khoảng 51 năm ánh sáng. Hệ sao này được tạo nên từ sáu ngôi sao và được chia thành ba cặp.
Chòm sao Song Tử chứa một vài vật thể nổi bật như: Cụm sao mở M35, Tinh vân Con Sứa (Jellyfish), tinh vân Người Eskimo và tinh vân Medusa.
TAM GIÁC MÙA ĐÔNG & LỤC GIÁC MÙA ĐÔNG
Các ngôi sao sáng kể trên thường được mọi người nhóm lại thành hai mảng sao (asterism) nổi tiếng. Chỉ cần tìm ra được hai mảng sao này, bạn sẽ rất dễ tìm được 6 chòm sao trong bài viết.
- Tam giác mùa đông: Bao gồm 3 sao, đó là Betelgeuse, Procyon và Sirius
- Lục giác mùa đông: Bao gồm 6 sao, đó là Capella, Aldebaran, Rigel, Sirius, Procyon và Pollux (hoặc Castor)
Diệu Linh – Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS)
Dịch từ Space