Quan sát mưa sao băng Perseid tháng 8/2018

0
4336
Tháng 8 này, những người yêu thiên văn trên thế giới sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng mưa sao băng Perseid, một trong những trận mưa sao băng đáng chú ý nhất năm.
Mưa sao băng là gì?
Khi các mảnh thiên thạch đi vào bầu khí quyển Trái Đất với vận tốc siêu thanh, chúng sinh ra sóng xung kích nén mạnh không khí trên đường đi. Áp suất này nung nóng không khí và thiên thạch làm chúng cháy sáng tạo thành các vệt sao băng trên bầu trời. Mưa sao băng xuất hiện khi Trái Đất đi vào các dải bụi do sao chổi để lại mỗi lần chúng chuyển động cắt ngang qua quỹ đạo Trái Đất. Mưa sao băng Perseid có nguồn gốc từ sao chổi 109P/Swift-Tuttle chuyển động quanh Mặt Trời với chu kỳ 133 năm.
Khi đi vào bầu khí quyển, các sao băng chuyển động song song với nhau nhưng do luật xa gần, ta có cảm giác chúng đều xuất phát từ một điểm trên bầu trời. Khu vực đó gọi là tâm điểm của mưa sao băng. Tâm điểm nằm trong chòm sao nào thì trận mưa sao băng sẽ mang tên chòm sao đó. Mưa sao băng Perseid có tâm điểm nằm trong chòm sao Anh Tiên (Perseus).

Mưa sao băng Perseid 2012 tại Snowy Range. 
Ảnh: David Kingham trên Flickr
Thông tin Mưa sao băng Perseids

Tên mưa sao băng : Perseids 
Nguồn gốc : Sao chổi Swift-Tuttle
Thời gian hoạt động : 17 tháng 07 – 24 tháng 08 hàng năm
Cực đại : 12, 13 tháng 08
Tỉ lệ sao băng cực đại (ZHR) : 80-100 vệt/giờ
Vận tốc sao băng : 58 km/s
Điểm phát xạ (Radiant) : Chòm sao Perseus (Anh Tiên)

Perseids cùng với Geminids tháng 12 là hai trận mưa sao băng lớn nhất diễn ra đều đặn hàng năm. Thông thường, tỉ lệ sao băng Perseids nhìn thấy mỗi giờ đạt khoảng 80-100 vào lúc cực điểm. Đặc biệt, có những năm đã diễn ra sự “bùng nổ” sao băng Perseids, khi mà số lượng sao băng quan sát được tăng lên nhiều. Gần đây nhất là đợt bùng nổ mưa sao băng Perseids năm 2016, khiến tỉ lệ sao băng dự báo đạt khoảng 150-200 vệt mỗi giờ. Rất tiếc, điều đó dường như không xảy ra trong năm nay.

Vị trí quan sát 

Ngoài tỉ lệ và thời gian, vị trí các sao băng xuất hiện cũng là một câu hỏi được nhiều người quan tâm. Hầu hết các mưa sao băng đều có một điểm phát xạ (Radiant), nơi phần lớn các vệt sao băng có xu hướng phát ra từ đó. Cũng như vậy, điểm phát xạ của mưa sao băng Perseids nằm trong chòm sao Perseus (Anh Tiên), tuy nhiên việc xác định chính xác điểm phát xạ cũng như chòm sao là không thực sự cần thiết. Chòm sao này sẽ mọc vào lúc nửa đêm ở hướng Đông Bắc và dần leo lên cao.

Những thông tin cần chú ý:

– Mưa sao băng không giống như một cơn “mưa” mà sẽ có từng vệt sao băng xẹt qua bầu trời, thực tế trong lịch sử cũng bắt gặp vài trận “mưa” sao băng đích thực nhưng không phải tại thời điểm này.
– Sẽ có đôi lúc bạn bắt gặp được một vệt sao băng khá lớn người ta thường gọi nó là fireball đừng hiểu nhầm là UFO nhé
– Quan trọng nhất trong quan sát là thời tiết tốt và một bầu trời trong lành chứ không nhất định phải căn đúng thời gian cực đại, bạn có thể quan sát nhiều vệt sao băng nhất tại thời điểm cực đại chứ không chỉ nhìn thấy mưa sao băng tại lúc cực đại cho nên bạn có thể quan sát từ ngay lúc này, miễn là thời tiết tốt.
Hướng dẫn quan sát
Mưa sao băng Perseid diễn ra trong khoảng thời gian từ 17/7 đến 24/8 và đạt cực điểm vào đêm 12 rạng sáng 13/8. Tần suất cực đại có thể lên tới 110 vệt/h trong điều kiện lý tưởng. Các ngày xung quanh cực điểm cũng có tần suất sao băng khá lớn, các bạn cũng không nên bỏ qua.
Mưa sao băng hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường. Hãy tìm những địa điểm an toàn, thoáng tầm mắt, tránh xa ánh đèn để quan sát. Điều quan trọng là bầu trời phải quang đãng, thấy được các ngôi sao. Nếu trời nhiều mây hay có mưa thì tốt nhất là đi ngủ cho khỏe. Các bạn có thể chuẩn bị thêm lều bạt, đồ ăn, thức uống, chăn giữ ấm hay kem chống muỗi để phục vụ cho buổi quan sát.
Như đã nói ở trên, tâm điểm mưa sao băng chỉ mang ý nghĩa hình học. Thực tế sao băng có thể xuất hiện ở bất kì vị trí nào. Do đó nên nằm ra chiếu, bạt để có thể bao quát được bầu trời, không cần thiết phải xác định được chòm sao Anh Tiên (Perseus).
Tần suất mưa sao băng trên thực tế còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện quan sát và cũng chỉ mang ý nghĩa thống kê. VD con số 60 vệt/h không có nghĩa là sao băng sẽ rơi đều đều 1 vệt/phút. Nhiều khi đợi hồi lâu chẳng thấy gì nhưng cũng có lúc xuất hiện vài ba cái liên tiếp. Vì vậy hãy kiên nhẫn. Quan sát cả đêm sẽ thu hoạch được nhiều sao băng hơn là chỉ ra hóng một lúc.
Hướng dẫn chụp ảnh mưa sao băng:
https://thienvanhanoi.org/forum/showt…g-mua-sao-bang
Tài liệu tham khảo: 
Rendtel J. (2017). “2018 Meteor Shower Calendar”. International Meteor Organization. IMO INFO(2-17).
Nguyễn Tùng Lâm
Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội HAS

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here