Tìm hiểu vật kính tiêu sắc

0
4984
Vật kính tiêu sắc loại nhỏ có lẽ là món ăn ngon, bổ, rẻ cho những người mới bắt đầu chơi kính thiên văn. Không thể phủ nhận chất lượng tuyệt vời mà nó đem lại so với những chiếc gương có cùng kích thước. Vật kính tiêu sắc đem lại một chất lượng ảnh tốt vì nó khử các lỗi quang học cả trên trục ( cầu sai, sắc sai ) và ngoài trục ( loạn thị, coma..) một cách tương đối tốt. Bài viết này mình xin nói chi tiết một chút về vật kính tiêu sắc bằng kiến thức mà mình góp nhặt được.
Vật kính tiêu sắc là một hệ gồm hai hay nhiều thấu kính thành phần ghép lại với nhau theo một cách đã định trước để sửa lỗi đường đi tia sáng sao cho giống với thấu kính lí tưởng nhất. Đa số mọi người mới chỉ được dùng vật kính tiêu sắc do 2 thấu kính một lõm một lồi ghép lại với nhau, đó là loại đơn giản nhất , được phát minh ra sớm nhất trong gia đình vật kính tiêu sắc. Phương pháp này đã được ra đời ngay sau khi kính thiên văn dùng gương phản xạ lên ngôi nhờ đó cứu vãn lại kính khúc xạ từng làm mưa làm gió một thời. Từ khi kính khúc xạ mới ra đời, vấn đề quang sai do vật kính đơn gây ra làm các nhà thiên văn thời đó rất khó chịu. Họ đã nghĩ ra cách là nếu kéo dài tiêu cự của vật kính lên thì hiện tượng này sẽ giảm đi đáng kể cho nên các kính thiên văn dài hàng chục mét là hết sức bình thường. Và có một công thức.
f>20*d^2
Công thức này muốn nói rằng hiện tượng quang sai sẽ giảm gần như đến 0 nếu tiêu cự của vật kính lớn hơn 20 bình phương đường kính của nó. Sau đó người ta nghĩ ra là có thể đặt một vài thấu kính phía sau thấu kính đầu tiên để sửa đường đi tia sáng sao cho đạt được mục đích mong muốn. Từ đó đến nay lịch sử phát triển các loại thấu kính tiêu sắc đã trải qua nhiều giai đoạn với chất lượng ngày càng đạt đến mức lí tưởng.
Thôi bàn về lịch sử, quay về với vật kính tiêu sắc quen thuộc của các bạn. Đầu tiền hãy nhìn bức ảnh sau để thấy sự thất bại đáng hổ thẹn khi hội tụ một chùm áng sáng trắng của một thấu kính đơn.
Với thấu kính đơn này nó không chỉ tạo ra một ảnh mà tạo ra nhiều vô vàn ảnh của vật thể nằm chồng chéo lên nhau. Cứ chồng chồng lớp lớp ảnh như vậy nằm đè lên nhau từ màu tím cho tới màu đỏ. Nói chính xác hơn thì ảnh của màu đỏ sẽ to hơn ảnh của màu tím. Nhìn một đối tượng mà cho ra ảnh cái thì to cái thì nhỏ, mỗi thằng một màu thế này thì không ổn chút nào.
Hình sau là đường đi của chùm sáng trắng qua một vật kính tiêu sắc do 2 thấu kính tạo nên, hình ảnh vật kính quen thuộc của chúng ta đây rồi.
hả quan hơn phải không các bạn. Thấu kính lõm phía sau bẻ gập tia đỏ xuống một chút và bẻ tia tím lên một chút làm cho khoảng cách đỏ tím lại gần nhau hơn nhưng các bạn thấy đó, tia xanh nằm ở giữa quang phổ nên bình diện chung nó không thay đổi và thực tế nó vẫn ở nguyên vị trí cũ. Trên thực tế thì nó bị lệch khoảng 0.5mm so với 2 tia kia. Nhưng vật vật kính của chúng ta đã làm tốt công việc đưa tia đỏ lại gần một chút và đẩy tia tím ra xa một chút. Thực ra tia xanh bị lệch như vậy không đáng lo ngại lắm khi nhìn bằng mắt thường và trong điều kiện ánh sáng tốt. Chỉ khi nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu, do đăc điểm nhạy cảm về màu sắc ở bước sóng 555nm của người nên sự cố này có phiền chút ít nhưng vẫn chấp nhận được. Với mắt người thì vậy những với máy ảnh thì khác nhé, cảm biến máy ảnh rất nhạy với sự cố này do cách bố trí các điểm ảnh khác với các tế bào trong mắt và nó bình đẳng các màu sắc với nhau, không thiên vị màu xanh 555nm như mắt người.
Cuối cùng là vật kính tiêu sắc do nhiều hơn 2 thấu kính ghép lại.
Quá hoàn hảo phải không. Các cụ có câu ” một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao ” không sai đâu được. Với sự hỗ trợ từ nhiều thấu kính thì tia sáng sai lệch gần như được đưa vào đúng đường đi. Loại vật kính này đem lại chất lượng rất tốt cho cả quan sát và chụp ảnh. Nhưng để nói về kinh tế thì loại này không được phổ biến và dễ nuốt cho đại đa số chúng ta.
Để làm cho phẩm chất các loại vật kính tiêu sắc tốt nhất các nhà sản xuất thường dùng chất liệu thủy tinh fluorit hay còn gọi là thủy tinh ED cho độ tán xạ cực thấp giúp hạn chế kích thước, trọng lượng của thấu kính mà vẫn đem lại độ phân giải ảnh rất cao.
Mình xin kết thúc bài viết tại đây, mong nhận được sự góp ý của mọi người vì không thể tránh khỏi sai sót về chuyên môn khi viết bài.
Hoàng Quốc Phương – HAS

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here