Mưa sao băng Quadrantids chào đón năm 2019

0
2731
Một vệt sao băng Quadrantids băng qua bầu trời Na Uy, năm 2014. Tác giả: Tommy Eliassen

Như thông lệ, Quadrantids diễn ra vào tháng một hàng năm là trận mưa sao băng mở màn cho năm mới. So với các trận mưa sao băng khác thì nó khá kỳ lạ. Năm nay Quadrantids sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 03, rạng sáng ngày 04/01. Thật may, năm nay ánh trăng không làm cản trở màn “pháo hoa” sao băng chào đón năm mới! 

Thông tin cơ bản về Quadrantids

  • Nguồn gốc: 2003 EH1 (thiên thạch, hoặc cũng có thể là một “sao chổi đá”)
  • Điểm phát: Chòm Mục Phu
  • Hoạt động: 29/12-12/01
  • Tần suất cực đại: 80 vệt/giờ
  • Vận tốc sao băng: 41 km/s
Các sao băng Quadrantids khá mờ, nhưng bù lại, trận mưa sao băng này thường sản sinh ra nhiều “quả cầu lửa” hơn, sáng hơn và kéo dài lâu hơn so với sao băng thông thường.                                                                                                  Ảnh: Một vệt sao băng Quadrantids mờ nhạt xuất hiện trên bầu trời bang Alabama, Hoa Kỳ, năm 2014. Tác giả: Barry Simmons

MANG TÊN CHÒM SAO KHÔNG CÒN TỒN TẠI

Báo cáo đầu tiên về Quadrantids đến từ Adolphe Quetelet, người đã quan sát trận mưa sao băng này vào năm 1825 trong khi đang làm việc tại Đài quan sát Brussels. Lúc đó, điểm phát của trận mưa sao băng này xuất hiện tại chòm sao Quadrans Muralis (Thước phần tư), chòm sao được đặt tên bởi nhà thiên văn học người Pháp Jerome Lalande vào năm 1795. Chòm sao được đặt tên theo công cụ thiên văn được dùng để quan sát và lập bản đồ sao. Quandrans Muralis nằm giữa hai chòm sao Thiên Long (Draco) và Mục Phu (Bootes), gần với đuôi của nhóm sao Bắc Đẩu (Big Dipper). Đến năm 1922, Hiệp hội Thiên văn Quốc tế (IAU) lập một danh sách các chòm sao hiện đại và đã loại Quandrans Muralis ra khỏi danh sách.

Chòm sao Quandrans Muralis nằm ở góc trên bên phải của bức vẽ. Nguồn: Wiki

NGUỒN GỐC LẠ KỲ

Quandrantids có nguồn gốc khá kỳ lạ. Trong khi hầu hết các trận mưa sao băng đến từ những mảnh vụn của sao chổi thì Quandrantids lại đến từ phần bỏ lại của một tiểu hành tinh tên 2003 EH1, được các nhà thiên văn học đôi khi gọi là “ sao chổi đá”.

Thêm một điều thú vị nữa,  một số nhà thiên văn học tin rằng 2003 EH1 là phần còn sót lại của sao chổi C/1490 Y1, đã biến mất trong lịch sử sau trận mưa sao băng nổi bật được đề cập đến trong ghi chép của người Trung Quốc vào năm 1490. Rất có thể màn trình diễn sao băng khi đó là do một phần của sao chổi bị tan vỡ.

HƯỚNG DẪN QUAN SÁT

Trong khi hầu hết các trận mưa sao băng đạt cực đại trong vài ngày, Quandrantids có thời gian đạt cực đại hẹp hơn, chỉ khoảng 6 tiếng. Nếu quan sát đúng khoảng thời gian cực đại, mưa sao băng có thể đạt tới 120 sao băng/giờ, sánh ngang với hai mưa sao băng lớn nhất trong năm là Geminids và Perseids.

Theo IAU, cực điểm năm nay sẽ rơi vào lúc 2:00 giờ GMT (9:00 giờ VN), rạng sáng ngày 04/01, tức là sẽ không thuận lợi cho quan sát ở Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể chờ đợi một mưa sao băng cỡ trung bình, đạt khoảng 25-30 vệt/giờ. Thêm nữa, dự báo cực điểm mưa sao băng thường có độ chính xác không quá cao.

Vị trí điểm phát (Radiant) của mưa sao băng Quadrantids. Nguồn: Sky and telescope

Hiện tại, điểm phát của Quadratids nằm trong chòm sao Bootes (Mục Phu). Chòm sao này bắt đầu nhô lên khỏi đường chân trời vào nửa đêm, ở hướng đông bắc. Vì thế hãy chuẩn bị quan sát từ khoảng 1 hoặc 2 giờ sáng. Bạn không nhất thiết phải tìm được chòm sao này. Hãy nhìn rộng ra khắp cả khoảng trời để không bỏ lỡ các sao băng có đuôi dài!

Quan sát mưa sao băng không cần đến kính viễn vọng hay ống nhòm mà hoàn toàn dùng mắt thường. Bạn hãy tìm một nơi thoáng đãng, cách xa ánh sáng đèn điện, lý tưởng nhất là trong một khu vực hoàn toàn tối. Nhớ mang theo chăn và mặc ấm vì ban đêm trời lạnh. Và nhớ để mắt bạn thích nghi với bóng tối trong khoảng 20-30 phút rồi quan sát nhé!

Tóm lại: Mưa sao băng Quadrantids sẽ đạt cực điểm vào đêm ngày 03, rạng sáng 04/1. Hãy chuẩn bị sẵn sàng quan sát từ khoảng 1 hoặc 2 giờ sáng.

Đá Rêu – Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội HAS

Tham khảo Space & Earthsky

 

 

 

 

 

 

 

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here