Dựa trên LỊCH THIÊN VĂN 2019 đã được biên soạn cẩn thận, HAS xin lựa chọn ra 9 sự kiện thiên văn học tiêu biểu nhất, mà chắc chắn bạn không muốn bỏ lỡ. Đó là các trận mưa sao băng, các lần giao hội, xung đối hành tinh, và đặc biệt là hiện tượng nguyệt thực một phần và nhật thực một phần.
Chúc các bạn có một năm quan sát bầu trời “bội thu”!
1. Mưa sao băng Quadrantids – Ngày 03, 04 tháng 01
Quadrantids là một trận mưa sao băng trên mức trung bình, với tần suất lên tới 40 vệt mỗi giờ tại cực điểm. Trận mưa sao băng này được cho là bắt nguồn từ bụi tàn dư của sao chổi 2003 EH1, phát hiện năm 2003, nhưng nay đã không còn tồn tại. Các sao băng Quadrantids thường xuất hiện hằng năm từ ngày 01 đến ngày 05 tháng 01. Cực điểm năm nay rơi vào đêm ngày 03, rạng sáng ngày 04.
Trăng lưỡi liềm mỏng sẽ không gây trở ngại cho việc quan sát. Thời gian tốt nhất để ngắm mưa sao băng này là sau nửa đêm, tại khu vực tối, thoáng đãng. Các sao băng có xu hướng xuất hiện từ chòm sao Bootes (Mục Phu), nhưng vẫn có thể hiện ra ở bất cứ vị trí nào trên bầu trời.
2. Siêu trăng tròn – Ngày 21 tháng 01
Trăng tròn tháng 01 sẽ là Siêu trăng tròn đầu tiên trong số tất cả ba lần Siêu trăng của năm 2019. Sau đó, trăng tròn ngày 19 tháng 02 và ngày 19 tháng 05 cũng là Siêu trăng. Trong các lần Siêu trăng, Mặt Trăng sẽ tiến gần đến Trái Đất hơn, trông lớn hơn và sáng hơn một chút so với bình thường.
3. Sao Mộc ở vị trí xung đối – Ngày 10 tháng 06
Hành tinh khổng lồ này sẽ đến gần Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn bởi Mặt Trời. Nó sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm và có thể quan sát thấy suốt đêm. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát và chụp ảnh Sao Mộc cùng các vệ tinh của nó. Một kính thiên văn cỡ trung bình có thể giúp bạn thấy một số chi tiết của các dải mây Sao Mộc. Một ống nhòm tốt cho phép bạn nhìn thấy bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc, xuất hiện như những đốm sáng ở hai bên của hành tinh.
4. Sao Thổ ở vị trí xung đối – Ngày 09 tháng 07
Sao Thổ sẽ đến gần với Trái Đất nhất và bề mặt của nó sẽ được chiếu sáng hoàn toàn bởi Mặt Trời. Nó sẽ sáng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong năm và có thể nhìn thấy suốt đêm. Đây là thời điểm tốt nhất để quan sát và chụp ảnh Sao Thổ cùng các vệ tinh. Kính thiên văn cỡ trung bình hoặc lớn hơn cho phép bạn thấy vành đai của Thổ Tinh và một vài vệ tinh sáng nhất của nó.
5. Nguyệt thực một phần – Ngày 17 tháng 07
Nguyệt thực một phần xảy ra khi Mặt Trăng đi vào vùng bóng nửa tối (penumbra) của Trái Đất, và chỉ một phần của nó đi qua vùng bóng tối (umbra). Ở kiểu nguyệt thực này, một phần Mặt Trăng sẽ tối đi vì đi ngang qua bóng của Trái đất. Nguyệt thực lần này có thể quan sát trên khắp châu Âu, châu Phi, Trung Á và Ấn Độ Dương. Tại Việt Nam có thể quan sát một phần hiện tượng này. Bạn sẽ thấy Mặt Trăng bị tối đi một góc.
6. Mưa sao băng Perseids – Ngày 12, 13 tháng 08
Mưa sao băng Perseids là một trong những trận mưa sao băng tuyệt vời nhất, với tần suất lên đến 60 vệt mỗi giờ lúc cực điểm. Các sao băng Perseids có nguồn gốc từ bụi của sao chổi Swift-Tuttle, được phát hiện năm 1862. Mưa sao băng Perseids nổi tiếng vì sản sinh ra số lượng lớn các sao băng sáng. Perseids diễn ra hàng năm từ ngày 17 tháng 07 đến ngày 24 tháng 08.
Cực đỉnh năm nay diễn ra vào đêm ngày 12 và rạng sáng ngày 13 tháng 08. Trăng gần tròn sẽ chặn mất nhiều sao băng mờ, nhưng các sao băng Perseids rất nhiều và sáng nên hứa hẹn đây vẫn là một trận mưa sao băng thú vị. Nơi quan sát tốt nhất là ở khu vực tối, từ sau nửa đêm. Các sao băng có xu hướng xuất hiện từ chòm sao Perseus (Anh Tiên), nhưng có thể sẽ hiện ra ở bất cứ nơi nào trên bầu trời.
7. Giao hội giữa Sao Kim và Sao Mộc – Ngày 24 tháng 11
Hai hành tinh sáng này sẽ cách nhau 1,4 độ trên bầu trời buổi tối. Bạn có thể thấy cảnh tượng ấn tượng này trên bầu trời phía tây ngay sau khi Mặt Trời lặn.
Trước đó, ngày 22 tháng 01, Sao Kim và Sao Mộc cũng có một lần giao hội. Hai hành tinh này cùng tỏa sáng chỉ cách nhau 2,4 độ trên bầu trời lúc sáng sớm. Bạn có thể chiêm ngưỡng cảnh tượng thú vị này ở phía đông ngay trước khi Mặt Trời mọc
8. Mưa sao băng Geminids – Ngày 13, 14 tháng 12
Geminids là vua của các trận mưa sao băng trong năm. Nhiều người coi đó là mưa sao băng tuyệt vời nhất bởi có tần suất lên tới 120 vệt sao băng mỗi giờ vào lúc cực điểm. Các sao băng này có nguồn gốc từ bụi còn sót lại của thiên thạch 3200 Phaethon, phát hiện vào năm 1982. Mưa sao băng Geminids xuất hiện từ ngày 7 đến 17 tháng 12 hằng năm.
Cực đại năm nay rơi vào đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng 12.
Dù không may là năm nay trăng gần tròn sẽ che mất nhiều sao băng, nhưng vì mưa sao băng Geminids rất sáng và có số lượng lớn, cho nên nó vẫn hứa hẹn một màn trình diễn tuyệt vời. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm, từ nơi tối và thoáng đãng. Các sao băng có xu hướng xuất hiện từ chòm sao Gemini (Song Tử), nhưng vẫn có thể hiện ra từ bất cứ đâu trên bầu trời.
9. Nhật thực một phần – Ngày 26 tháng 12
Hiện tượng được mong đợi nhất trong năm chắc chắn là lần nhật thực này. Đây vốn là Nhật thực hình khuyên, nhưng ở Việt Nam chỉ có thể quan sát được pha một phần.
Nhật thực hình khuyên xảy ra khi Mặt Trăng cách Trái Đất quá xa nên không thể che hết Mặt Trời. Kết quả là xuất hiện một vòng sáng bao quanh bóng tối của Mặt Trăng. Lần nhật thực này bắt đầu từ Ả rập Xê út, rồi di chuyển sang phía đông qua Bắc Ấn Độ, Nam Sri Lanka, một số nơi trên Ấn Độ Dương, Indonesia và kết thúc tại vùng Thái Bình Dương. Pha một phần có thể quan sát được tại hầu khắp châu Á và Bắc Australia.
Thông tin chi biết về các sự kiện quan trọng sẽ được HAS đăng tải trên website và fanpage của hội trước khi sự kiện diễn ra. Mời các bạn đón đọc!
Xem lịch thiên văn chi tiết của năm 2019 tại LỊCH THIÊN VĂN 2019
Nhóm Kiến thức
HỘI THIÊN VĂN NGHIỆP DƯ HÀ NỘI (HAS)