Như thường lệ, tháng đầu tiên trong năm mở đầu với trận mưa sao băng khá lớn Quadrantids. Trong tháng này cũng diễn ra lần nguyệt thựcđầu tiên trong chuỗi 4 lần nguyệt thực của năm nay.
(*) Thời gian trong bài viết đã được quy đổi ra giờ Việt Nam
Ngày 3, 4 tháng 1 – Mưa sao băng Quadrantids
Mưa sao băng Quadratids là một trận mưa sao băng trên mức trung bình, đạt đến 40 vệt sao băng mỗi giờ tại cực điểm. Các nhà khoa học cho rằng trận mưa sao băng này được tạo ra từ các hạt bụi còn sót lại của một ngôi sao chổi đã không còn tồn tại mang tên 2003 EH1, phát hiện vào năm 2003.
Mưa sao băng Quadrantids thường xuất hiện từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 1 hằng năm. Cực điểm của năm nay vào đêm ngày 3, rạng sáng ngày 4 tháng 1. Trăng bán nguyệt đầu tháng sẽ lặn ngay sau nửa đêm, để lại một bầu trời tối rất thuận lợi cho việc quan sát. Thời gian quan sát tốt nhất là sau nửa đêm tại một địa điểm tối. Sao băng có xu hướng phát ra từ phía chòm sao Bootes (Mục Phu), nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi đâu trên bầu trời.
Ngày 11 tháng 1 – Trăng tròn
Mặt Trăng sẽ nằm ở phía đối diện với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và phần Mặt Trăng hướng về phía Trái Đất sẽ được chiếu sáng hoàn toàn. Pha này diễn ra lúc 02:23.
Các bộ tộc bản địa châu Mỹ thời xưa gọi lần trăng tròn này là Trăng Sói (Full Wolf Moon) bởi đây là thời điểm họ nghe thấy tiếng tru ầm ĩ của đàn sói đói bên ngoài khu trại của họ. Lần trăng này cũng được gọi là Trăng Già (Old Moon) và Trăng Sau lễ Yule (Moon After Yule).
*Lễ Yule: lễ hội mùa đông ở Bắc Âu trước đây, ngày nay được đồng nhất với lễ Giáng sinh
Ngày 11 tháng 1 – Nguyệt thực nửa tối
Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng đi qua vùng tối một phần của bóng Trái Đất, còn gọi là vùng nửa tối. Trong suốt quá trình diễn ra loại nguyệt thực này, Mặt Trăng sẽ tối đi một chút chứ không hoàn toàn tối hẳn. Nguyệt thực nửa tối có thể quan sát được ở hầu hết châu Âu, châu Phi, châu Á, Ấn Độ Dương, và phía Tây nước Úc.
Toàn bộ quá trình diễn ra hiện tượng này có thể quan sát được ở Việt Nam. Chi tiết như sau:
- Nguyệt thực nửa tối bắt đầu: 00:07
- Cực đại của nguyệt thực nửa tối: 02:10
- Nguyệt thực nửa tối kết thúc: 04:12
Ngày 25 tháng 1 – Trăng mới
Mặt Trăng sẽ nằm cùng phía với Mặt Trời khi nhìn từ Trái Đất và sẽ không hiện diện trên bầu trời đêm. Pha này diễn ra vào 04:44.
Đây là thời điểm tốt nhất trong tháng để quan sát các thiên thể mờ như các thiên hà và các cụm sao bởi không có ánh trăng cản trở.
Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội (HAS)
Nhóm biên soạn: Quỳnh Anh, Thu Hường, Khánh Linh, Hồng Nhung
Lịch các sự kiện thiên văn năm 2020