Mùa xuân đã về, mang theo những chòm sao xinh đẹp và chứa đựng vô vàn điều kì diệu để đợi bạn khám phá. Hãy cùng HAS tìm hiểu 5 trong số những chòm sao mùa xuân thú vị này.
Chòm sao mùa xuân là những chòm sao mà ta có thể dễ dàng quan sát dưới bầu trời đêm từ cuối tháng 3 đến cuối tháng 6 ở Bắc bán cầu và từ cuối tháng 9 đến cuối tháng 12 ở bán cầu Nam.
Nổi bật trên nền trời của Bắc bán cầu vào mùa xuân là những chòm sao với tên gọi: Đại Hùng (Ursa Major), Mục Phu (Bootes), Sư Tử (Leo), Xử Nữ (Virgo) và Trường Xà (Hydra).
Để tìm các chòm sao một cách dễ dàng và chính xác nhất, bạn hãy sử dụng các phần mềm mô phỏng bầu trời. Trên máy tính, hãy tải về phần mềm Stellarium. Còn trên điện thoại, hãy tải các app mô phỏng bầu trời như Star Chart, Star Walk, hoặc Night Sky lite.
Trong bài viết này bạn sẽ bắt gặp hai khái niệm là Chòm sao và Mảng sao. Chòm sao (constellation) là một vùng trên thiên cầu (bầu trời), có ranh giới xác định; trong chòm sao có chứa rất nhiều sao cùng các thiên thể sâu như thiên hà, cụm sao và tinh vân. Ở mỗi chòm sao, người ta thường liên kết một số sao lại thành một hình dạng nào đó, nhằm giúp nhận diện vị trí chòm sao đó dễ dàng hơn. Trong khi đó, mảng sao (asterism) là tập hợp của một số sao đến từ một hoặc nhiều chòm sao, được kết nối thành một hình dạng dễ nhận, chẳng hạn như “Cái gáo”, “Lưỡi liềm”, hay một hình tam giác. Chòm sao được các nhà thiên văn học công nhận chính thức, trong khi mảng sao chỉ là khái niệm quen thuộc với đại chúng.
Chòm sao Đại Hùng
Đại Hùng (Ursa Major, có nghĩa “Con gấu lớn”), một trong những chòm sao quen thuộc nhất với chúng ta, là chòm sao lớn thứ 3 trên bầu trời, chỉ sau Trường Xà và Xử Nữ. Chòm sao này chủ yếu được biết đến với mảng sao phổ biến mang tên Cái gáo lớn (Big Dipper), hay Bắc Đẩu ở các nước phương Đông, được hình thành từ bảy ngôi sao sáng nhất của chòm sao Đại Hùng.
Đại Hùng chứa một số vật thể sâu thú vị trên bầu trời, bao gồm một số thiên hà Messier như thiên hà Bode (Messier 81), thiên hà Điếu xì gà (Messier 82), thiên hà Chong chóng (Messier 101), thiên hà Ván lướt sóng (Messier 108), thiên hà xoắn ốc có thanh chắn Messier 109 và tinh vân Con Cú (Messier 97).
Hai ngôi sao Merak và Dubhe nằm ở phần miệng gáo được biết đến với tên gọi “Người chỉ đường” vì chúng chỉ thẳng đến sao Bắc Cực (Polaris), ngôi sao ở rất gần Bắc thiên cực, nằm trong chòm Tiểu Hùng (Ursa Minor).
Chòm sao Mục Phu
Mục Phu (Bootes, có nghĩa “người đánh xe”) là một trong những chòm sao lớn nhất trên bán thiên cầu Bắc. Chòm sao này chứa Arcturus – ngôi sao sáng nhất trên bầu trời bán cầu Bắc. Tất cả người dân sống ở phía bắc của vĩ độ 50°Nam rất dễ dàng nhận diện chòm Mục Phu, với 29 sao có thể thấy bằng mắt thường. Ngoài ra, bạn còn có thể chiêm ngưỡng mảng sao Cánh Diều nổi bật, nằm giữa chòm Bắc Miện (Northern Crown) và những ngôi sao trong mảng sao Bắc Đẩu.
Chòm Mục Phu chứa nhiều hệ đa sao khá quen thuộc đối với những nhà thiên văn nghiệp dư. Izar, hay Epsilon Bois là một trong số những ngôi sao tạo thành mảng sao Cánh Diều. Nó là một ngôi sao thuộc hệ ba sao nổi tiếng với màu sắc tương phản nhau. Tương tự Izar, Alkalurops (Mu Boötis), cũng là một hệ ba sao khác tương đối sáng, còn Xi Boötis là một hệ bốn sao.
Chòm sao Xử Nữ
Chòm sao Hoàng đạo mang tên Xử Nữ (Virgo, có nghĩa “trinh nữ”) có khá nhiều đặc điểm đáng chú ý mà bạn có thể khám phá qua kính viễn vọng.
Spica là ngôi sao sáng nhất thuộc chòm sao này, đứng vị trí thứ 16 trong số những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời; có thể dễ dàng định vị được nó bằng cách lần theo một đường vòng cung bắt đầu từ “cán” của Bắc Đẩu. Đi theo đường vòng cung tưởng tượng này, đầu tiên bạn sẽ bắt gặp sao Arcturus của chòm Mục Phu, sau đó bạn sẽ gặp Spica.
Cùng với Arcturus và Regulus, Spica là một trong ba ngôi sao tạo thành Tam giác mùa xuân, và cũng là một phần của mảng sao Viên kim cương vĩ đại cùng với sao Arcturus, Cor Caroli (thuộc chòm Canes Venatici – Lạp Khuyển) và Denebola (thuộc chòm sao Leo – Sư Tử).
Cụm thiên hà Xử Nữ, trải rộng trên các chòm sao Xử Nữ và Hậu Phát (Coma Berenices), chứa khoảng 2000 thiên hà, bao gồm Messier 49, Messier 58, Messier 59, Messier 60, Messier 61, Messier 84, Messier 86, Messier 87, Messier Messier 90 thuộc chòm Xử Nữ và Messier 85, Messier 88, Messier 91, Messier 98, Messier 99 và Messier 100 thuộc chòm Hậu Phát. Trung tâm của cụm thiên hà này nằm giữa hai ngôi sao Denebola thuộc chòm Sư Tử và Vindemiatrix thuộc chòm Xử Nữ. Cũng ở trong chòm sao Xử Nữ, nhưng Thiên hà Mũ Vành Rộng, tức M104, nằm gần ranh giới với chòm Ô Nha (Corvus) lại không phải là thành viên của cụm.
Chòm sao Sư Tử
Sư Tử (Leo, nghĩa “Con sư tử”) là chòm sao rất dễ tìm vì một số ngôi sao sáng nhất của chòm tạo thành một hình vòng cung, được gọi là mảng sao Lưỡi liềm, nhìn trên trời trông chúng tựa như một dấu hỏi ngược. Regulus nằm ở vị trí dưới cùng của mảng sao này, và cũng là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao. Nó thường được coi là trái tim của Sư Tử. Sao Denebola, đánh dấu đuôi của con sư tử, là ngôi sao sáng thứ hai của chòm và nằm gần phía chòm sao Xử Nữ.
Giữa hai ngôi sao này, ta có thể chiêm ngưỡng một số thiên hà nổi bật như: nhóm thiên hà Bộ ba Sư tử (Leo Triplet) – gồm các thiên hà Messier 65, Messier 66 và Thiên hà Hamburger (NGC 3628), các thiên hà xoắn ốc Messier 95, Messier 96, thiên hà hình elip Messier 105.
Chòm sao Trường Xà
Trường Xà (Hydra, có nghĩa “con rắn nước”), chòm sao lớn nhất trên bầu trời, có hình dáng tựa như một con rắn đang cuộn mình. Chòm sao này dài hơn 100°, tính từ đầu phía nam, nơi giáp với chòm Libra (Thiên Bình) và Centaurus (Nhân Mã), cho tới đầu phía bắc, nơi giáp với chòm Cancer (Cự Giải).
Mặc dù có kích thước rất lớn (1303 deg²), Trường Xà lại có vẻ kém nổi bật trên bầu trời. Ngôi sao sáng nhất trong chòm sao này là sao khổng lồ cam Alphard với cấp sao biểu kiến là 2,00 và ngôi sao sáng thứ hai là Gam-ma Hydrae, trông mờ hơn đáng kể. Trường Xà là “ngôi nhà” của ba thiên thể Messier, bao gồm cụm sao mở Messier 48, thiên hà xoắn ốc có thanh ngang Messier 83 (thiên hà Chong chóng Phương Nam) và cụm sao cầu Messier 68. Chòm sao Trường Xà có thể nhìn thấy từ hầu hết các vị trí ở Nam bán cầu, nhưng không thể nhìn thấy từ phía bắc của vĩ độ 54ºBắc.
Diệu Anh – Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội
Lược dịch từ Constellation-guide