Các sự kiện thiên văn tiêu biểu diễn ra trong tháng 9 năm 2024

0
33
Các sự kiện thiên văn tiêu biểu diễn ra trong tháng 09 năm 2024
1. Ngày 03 tháng 09: Trăng mới tháng Tám âm lịch
Chuyển động trên quỹ đạo của Mặt Trăng đưa vệ tinh quay quanh Trái Đất với chu kỳ khoảng bốn tuần và kết quả là các pha của nó thay đổi tuần hoàn từ Trăng mới, Trăng thượng huyền, Trăng tròn, Trăng hạ huyền rồi Trăng mới sau mỗi 29,5 ngày. Chuyển động này cũng có nghĩa là, Mặt Trăng di chuyển hơn 12° về phía động trên bầu trời từ đêm này qua đêm khác, khiến nó mọc và lặn muộn hơn gần một giờ
Vào lúc 08 giờ 56 phút ngày 03 tháng 09 sắp tới, Mặt Trăng sẽ đi qua Mặt Trời ở khoảng cách 2°16′ và bị che khuất trong ánh sáng chói chang đến từ ngôi sao này trong vài ngày. Vào pha Trăng mới (Trăng non), Mặt Trăng xuất hiện ở giữa Trái Đất và Mặt Trời, khi đó, chúng ta gần như nhìn thấy chính xác một nửa bán cầu không được chiếu sáng của vệ tinh này khiến nó gần như trở nên vô hình trên bầu trời
Trong những ngày tiếp theo sau thời điểm Trăng mới, Mặt Trăng sẽ xuất hiện trên bầu trời vào cuối buổi chiều như một mảnh lưỡi liềm mỏng và lặn đi chỉ vài giờ ngay sau khi Mặt Trời lặn. Đến khoảng một tuần sau đó, Mặt Trăng sẽ ở lại trên bầu trời cho đến nửa đêm
Tiến trình hàng ngày của Mặt Trăng trong một tuần tới (thời gian được tính theo giờ địa phương của Hà Nội). Nguồn: In-the-sky.org
2. Ngày 05 tháng 09: Sao Thủy đạt ly giác cực đại phía Tây
Sao Thủy sẽ đạt vị trí ly giác cực đại phía Tây trong lần xuất hiện trên bầu trời buổi sáng này vào lúc 09 giờ 24 phút ngày 05 tháng 09. Khi quan sát từ Hà Nội, đây không phải là một hiện tượng quá nổi bật và khó quan sát khi Sao Thủy chỉ đạt đến độ cao cực đại khoảng 17° so với đường chân trời khi Mặt Trời mọc. Với độ sáng biểu kiến là – 0,3, việc tìm kiếm hành tinh này trong điều kiện ánh sáng bình minh chiếm ngự hoàn toàn vùng trời này thực sự không hề dễ dàng
Sao Thủy sẽ sáng lên nhanh chóng khi bắt đầu xuất hiện vào buổi sáng từ vị trí giao hội trong. Nếu bạn có một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn và hướng về phía hành tinh này trên bầu trời buổi sáng những ngày đầu tháng 9, Sao Thủy sẽ là một mảnh lưỡi liềm mỏng đầy đặn dần. Nó sẽ mọc lên ở hướng Đông vào lúc khoảng 4 giờ rưỡi sáng. Bạn sẽ có khoảng một giờ đồng hồ để quan sát hành tinh này trước khi Mặt Trời mọc vào lúc 05 giờ 40 phút
Cảnh báo: Đừng bao giờ cố hướng ống nhòm hay kính thiên văn vào một vật thể nằm quá gần Mặt Trời. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt, thậm chí có thể mù vĩnh viễn
Sao Thủy xuất hiện trên bầu trời trong lần đạt ly giác cực đại vào ngày 01 tháng 01 năm 2018. Nguồn ảnh: Alan Dyer/VW Pics/UIG via Getty Images
3. Ngày 08 tháng 09: Sao Thổ đạt vị trí trực đối
Sao Thổ sẽ đạt vị trí trực đối – vị trí đối diện với Mặt Trời trên bầu trời khi quan sát từ Trái Đất, vào lúc 11 giờ 27 phút ngày 08 tháng 09. Từ Hà Nội, Sao Thổ sẽ có thể được bắt đầu quan sát từ 18 giờ 55 phút khi hành tinh này đang nằm cao khoảng cao 11° so với đường chân trời phía Đông. Nó sẽ đạt đến vị trí cao nhất trên bầu trời vào lúc 23 giờ 54 phút, cao 61° so với đường chân trời phía Nam và lặn đi ở phía Tây vào lúc 05 giờ 44 phút sáng ngày hôm sau. Trong đêm, Sao Thổ sẽ tỏa sáng với độ sáng biểu kiến là 0,6 trong khu vực của chòm sao hoàng đạo Aquarius (Bảo Bình)
Cùng thời điểm Sao Thổ đạt vị trí trực đối, nó cũng sẽ tiến đến gần với Trái Đất nhất khiến hành tinh này trở nên sáng và lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, trên thực tế, Sao Thổ quay quanh Mặt Trời ở quỹ đạo xa hơn rất nhiều so với quỹ đạo của Trái Đất – khoảng cách trung bình tính từ Mặt Trời là 9,54 AU. Điều này khiến cho kích thước góc của nó thay đổi không đáng kể giữa hai thời điểm trực đối (kích thước góc lớn nhất) và giao hội với Mặt Trời (kích thước góc nhỏ nhất), và đương nhiên, sự thay đổi này rất khó có thể nhận ra ngay cả khi sử dụng kính thiên văn
Trong khoảng vài giờ xung quanh thời điểm trực đối, nếu quan sát qua kính thiên văn đủ mạnh, bạn sẽ thấy vành đai Sao Thổ sáng hơn đáng kể so với đĩa sáng của hành tinh này. Hiện tượng này xảy ra vì vành đai được tạo thành từ tập hợp các hạt băng mịn được Mặt Trời chiếu sáng ở góc khác với góc nhìn cảu chúng ta, do vậy, chúng ta chỉ nhìn thấy một số hạt được chiếu sáng, trong khi một số nằm trong bóng của hạt khác. Vào thời điểm xung quanh thời điểm trực đối, các hạt băng gần như cùng được chiếu sáng cùng với hướng chúng ta nhìn vào, nghĩa là ít hạt ở trong bóng tối khiến cho vành đai sáng lên rõ rệt
Sao Thổ ở vị trí trực đối vào năm 2017 được chụp từ Esfahan, Iran. Nguồn ảnh: Kamran Janamian
4. Ngày 18 tháng 09: Trăng tròn tháng Tám âm lịch – Siêu Trăng thu hoạch
Mặt Trăng sẽ đạt đến pha Trăng tròn vào lúc 09 giờ 34 phút ngày 18 tháng 09. Cùng lúc đó, vệ tinh này cũng đi qua vị trí gần Trái Đất nhất trên quỹ đạo địa tâm của mình. Những lần Trăng tròn như vậy được gọi là “Siêu Trăng”, một thuật ngữ bắt nguồn từ các nhà chiêm tinh vào cuối những năm 1970. Theo định nghĩa của Richard Nolle, cha đẻ của khái niệm Siêu Trăng, trong năm 2024 sẽ có 4 lần Trăng tròn là Siêu Trăng lần lượt diễn ra vào các ngày 19 tháng 08, 18 tháng 09, 17 tháng 10 và 15 tháng 11
Vào những đêm Siêu Trăng ,bạn sẽ thấy Mặt Trăng trên bầu trời với đĩa sáng có kích thước lớn hơn khoảng 8% và độ sáng lớn hơn khoảng 15% so với những đêm Trăng tròn bình thường khác. Do vậy, ngay cả khi quan sát Mặt Trăng một cách bình thường, bạn vẫn có thể nhận ra được sự khác biệt này, cho dù thực sự nó cũng không quá đáng kể
Trăng tròn tháng Tám âm lịch diễn ra vào ngày 18 tháng 09 sắp tới cũng được biết đến với cái tên Trăng thu hoạch. Cái tên này được sử dụng cho lần Trăng tròn xảy ra gần với thời điểm thu phân nhất (khoảng ngày 23 tháng 09). Tùy vào từng năm, Trăng thu hoạch có thể xảy ra bất cứ thời điểm nào từ hai tuần trước đến hai tuần sau thu phân. Vì vậy, nó có thể xảy ra vào tháng 09 hoặc tháng 10. Một điều khiến cho Trăng thu hoạch trở nên đặc biệt vì gần thời điểm thu phân, chênh lệch thời gian Mặt Trăng mọc giữa hai ngày liên tiếp được rút ngắn, thay vì khoảng 40 phút đến khoảng một giờ, chênh lệch này giảm còn khoảng 20 phút đến dưới nửa giờ đồng hồ tại thời điểm này. Điều này khiến cho bạn có cảm giác Mặt Trăng mọc vào cùng một giờ trong nhiều đêm liên tiếp
Để quan sát Mặt Trăng, bạn chỉ cần bước ra, hướng mắt về bầu trời phía Đông ngay sau khi Mặt Trời lặn để thấy vệ tinh này đang nhô lên từ đây. Nó sẽ ở lại và chiếm ngự toàn bộ bầu trời trong suốt đêm trước khi lặn đi ở hướng Tây vào sáng hôm sau khi bình minh đến. Bằng mắt thường, bạn đã có thể tận hưởng vẻ đẹp của Mặt Trăng, nhưng một chiếc ống nhòm hay kính thiên văn đi kèm sẽ cho bạn có cái nhìn chi tiết hơn về những đặc điểm thú vị trên bề mặt của vệ tinh này
Trăng thu hoạch mọc lên phía trên thành phố Yokkaichi, Nhật Bản vào năm 2020. Theo truyền thống quan sát của Nhật Bản, Trăng thu hoạch còn được biết với tên gọi là Tsukimi. Nguồn ảnh: ©iStockphoto.com/petesphotography
5. Ngày 21 tháng 09: Sao Hải Vương đạt vị trí trực đối
Sao Hải Vương sẽ đạt đến vị trí đối diện với Mặt Trời trên bầu trời khi quan sát từ Trái Đất vào lúc 07 giờ 08 phút ngày 21 tháng 09. Nằm trong chòm sao Pisces (Song Ngư), hành tinh này có thể được nhìn thấy trong phần lớn thời gian của đêm và đạt đến vị trí cao nhất trên bầu trời vào lúc nửa đêm theo giờ địa phương. Từ Hà Nội, hành tinh này sẽ xuất hiện trên bầu trời vào lúc 19 giờ 25 phút ở cao khoảng 21° so với đường chân trời phía Đông. Sao Hải Vương sẽ lên cao nhất trên bầu trời vào lúc 23 giờ 47 phút, cao 67° so với đường chân trời phía Nam và sẽ lu mờ dần sau khoảng 04 giờ sáng khi nó nằm thấp hơn 21° so với đường chân trời phía Tây
Cùng thời điểm đạt vị trí trực đối, Sao Hải Vương cũng sẽ tiến đến gần với Trái Đất nhất khiến hành tinh này trở nên sáng và lớn nhất trong năm. Tuy nhiên, trên thực tế, Sao Hải Vương quay quanh Mặt Trời ở quỹ đạo xa hơn rất nhiều so với quỹ đạo của Trái Đất – khoảng cách trung bình tính từ Mặt Trời là 30,07 AU. Do vậy, sự thay đổi của Sao Hải Vương gần như là không thể phát hiện được
Ngay cả ở thời điểm gần Trái Đất nhất, chúng ta cũng không biệt Sao Hải Vương như một điểm sáng nếu như không có sự hỗ trợ của kính thiên văn. Khi đó, bạn sẽ thấy hành tinh này là một đĩa sáng màu xanh lam rộng khoảng 2,4” với độ sáng biểu kiến là 7,8
Sao Hải Vương được chụp bởi tàu thăm dò Voyager 2 trong lần tiếp cận với hành tinh này vào năm 1989. Nguồn ảnh: NASA/JPL-Caltech
6. Ngày 22 tháng 09: Thu phân
Thu phân năm 2024 sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 42 phút ngày 22 tháng 09. Đây là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu của mùa thu ở Bắc Bán Cầu và mùa xuân ở Nam Bán Cầu. Vào ngày thu phân, mọi nơi trên Trái Đất có gần đúng 12 giờ ban ngày và 12 giờ ban đêm vì hành trình hàng năm của Mặt Trời trên bầu trời đưa nó đi qua xích đạo thiên thể vào thời điểm này. Dù bạn sống ở đâu, vào ngày thu phân, Mặt Trời sẽ mọc lên từ hướng chính Đông và lặn đi ở hướng chính Tây. Thuật ngữ “điểm phân” (equinox) bắt nguồn từ các từ trong tiếng Latin aequus (bằng nhau) và nox (đêm). 
Điểm phân xảy ra do trục tự quay của Trái Đất nghiêng một góc 23,5° so với mặt phẳng quỹ đạo của nó quanh Mặt Trời. Hướng của trục quay vẫn cố định trong không gian khi Trái Đất di chuyển trên quỹ đạo, trong khi hướng quan sát của chúng ta về phía Mặt Trời thay đổi và lần lượt đi qua các chòm sao hoàng đạo. Do đó, đôi khi cực Bắc của Trái Đất sẽ nghiêng về phía Mặt Trời nhiều hơn (vào tháng 06), và đôi khi lại nghiêng ra xa Mặt Trời hơn (vào tháng 12). Điều này tạo ra các mùa trong năm.
Tại các điểm trung gian giữa những điểm chí, Mặt Trời nằm chính xác trên xích đạo vào khoảng ngày 21 tháng 03 và 23 tháng 09. Vào tháng 03, Mặt Trời di chuyển về phía Bắc qua đường xích đạo, trong khi vào tháng 09, Mặt Trời di chuyển về phía Nam
Thu phân năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 22 tháng 09. Đây là thời điểm đánh dấu sự bắt đầu mùa thu ở các quốc gia nằm về phía bắc đường xích đạo, trong đó có Việt Nam. Nguồn ảnh: 4kwallpapers
7. Ngày 27 tháng 09: Sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan – ATLAS) đạt vị trí cận nhật
Sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan – ATLAS) sẽ tiến đến gần Mặt Trời nhất trên quỹ đạo của nó vào ngày 27 tháng 09 năm 2024 ở khoảng cách 0,39 AU. Từ Hà Nội, nó sẽ mọc lên bầu trời hướng Đông từ sau 4 giờ rưỡi sáng trong khu vực của chòm sao Sextans (Kính Lục Phân). Bạn sẽ có khoảng một giờ đồng hồ để quan sát sao chổi này trước khi Mặt Trời mọc vào lúc 05 giờ 50 phút sáng.
Sao chổi là những vật thể rất khó dự đoán vì độ sáng của chúng phụ thuộc vào sự tán xạ của ánh sáng Mặt Trời từ các hạt bụi ở phần đầu và đuôi. Bụi này liên tục thoát ra từ nhân và mật độ bụi tại thời điểm bất kỳ phụ thuộc vào tốc độ thăng hoa trong phần băng ở nhân sao chổi khi nó được làm nóng bởi ánh sáng Mặt Trời. Điều này rất khó để dự đoán trước, và có thể thay đổi ngay cả giữa các lần xuất hiện liên tiếp của cùng một sao chổi. Do vậy, những dự đoán về độ sáng trong tương lai của sao chổi thường không có độ tin cậy cao
Theo công bố về độ sáng bởi Hiệp hội Thiên văn học Anh (BAA), độ sáng biểu kiến tại thời điểm cận nhật của C/2023 A3 là khoảng 2,6. Trong khi đó, theo những dữ liệu quan sát từ COBS (Cơ sở dữ liệu quan sát sao chổi) và MPC (Trung tâm tiểu hành tinh), sao chổi này chỉ đạt tới độ sáng biểu kiến là 3,5 tại thời điểm trên
Trên lý thuyết, bạn vẫn có thể nhìn thấy Tsuchinshan – ATLAS bằng mắt thường trên bầu trời buổi sáng ngày 27 tháng 09. Tuy nhiên, trong điều kiện ánh sáng ngày mới dần chiếm ngự vùng trời này, việc tìm thấy một sao chổi như C/2023 A3 ở đây mà không sử dụng thiết bị quang học hỗ trợ đi kèm là rất khó khăn. Do vậy, hãy sử dụng kính thiên văn cùng các ứng dụng mô phỏng bầu trời sao để việc tìm kiếm sao chổi này trên bầu trời trở nên dễ dàng hơn nhé!
Cảnh báo: Đừng bao giờ cố hướng ống nhòm hay kính thiên văn vào một vật thể nằm quá gần Mặt Trời. Điều này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới mắt, thậm chí có thể mù vĩnh viễn
Sao chổi C/2023 A3 (Tsuchinshan – ATLAS) được chụp lại vào ngày 28 tháng 07 năm 2024 với đuôi ion mỏng kéo dài. Nó vẫn đang tiếp tục sáng lên trong quá trình di chuyển vào phía bên trong Hệ Mặt Trời và sẽ đạt đến vị trí cận nhật vào ngày 27 tháng 09 sắp tới. Nguồn ảnh: Gerald Rhemann
Hội thiên văn Hà Nội (HAS)
Dịch và biên tập: Phan Quân

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here