Có thể bạn không để ý, vào những buổi tối thời gian này trong năm bầu trời được che phủ bởi nhiều chòm sao có liên quan đến nước, bao gồm: Capricornus (Ma Kết/Con dê biển), Aquarius (Bảo Bình/Người mang nước), Pisces (Song ngư), Pisces Austrinus (Nam Ngư/Cá phương nam), Cetus (Kình Ngư/Cá voi) và cuối cùng là Eridanus (Ba Giang/Dòng sông). Thậm chí ngay cả vùng trời nơi các chòm sao này ngự trị cũng thường được gọi là “Biển cả” (Sea). Quả thực nước đang tràn ngập bầu trời !!!
Bầu trời sao mùa thu với các chòm Capricornus, Aquarius, Piscis Austrinus, Cetus,… phía trên sông Athabasca và đỉnh núi Continental Divide, tại Công viên quốc gia Jasper, Canada. Ảnh chụp bởi Alan Dyer ngày 22/10/2016.
Có lẽ các chòm sao này là biểu tượng cho mùa mưa hoặc cũng có thể là cách con người tưởng nhớ các trận lụt lớn trong quá khứ. Có một truyền thuyết kết nối những chòm sao này với một trận đại hồng thủy thời cổ đại ở vùng lưu vực sông Tigris-Euphrates (Lương Hà). Nhưng tất cả cũng chỉ còn là huyền thoại, có Chúa mới biết nguồn gốc chính xác của chúng !
Một điều nữa là các chòm sao kể trên đều rất mờ và cơ bản không chứa đựng thiên thể quan trọng nào đối với thiên văn nghiệp dư. Capricornus, Aquarius và Pisces rất nổi tiếng, nhưng thực tế danh tiếng đó chỉ bắt nguồn từ việc chúng là các chòm sao Hoàng Đạo, nơi Mặt Trời “đi qua” hàng năm.
CAPRICORNUS (Ma Kết/Con dê biển)
Capricornus là chòm sao nhỏ nhất nằm trên đường Hoàng Đạo. Trong thần thoại Hy Lạp, Capricornus là hiện thân của Pan- vị thần hoang dã và âm nhạc vùng nông thôn, ông mang hình dạng rất kì lạ, nửa người nửa dê. Trong đại chiến giữa thần Zeus và lực lượng Titan, Pan thuộc phe Zeus. Một lần ông bị quái vật khổng lồ Typhon tấn công nên buộc phải lao xuống sông Nile để chạy trốn. Đôi chân sau ngay lập tức biến thành đuôi cá cho phép ông bơi dễ dàng hơn và thoát khỏi kẻ thù. Sau này, Thần Zeus tôn vinh Pan bằng cách đưa hình ảnh của ông với đuôi cá lên bầu trời.
Capricornus là chòm sao mờ nhạt, chỉ có duy nhất một sao trên độ sáng +3 nên rất khó nhận dạng. Đầu tháng 11, nó mọc lên từ rất sớm, chập tối đã nằm tương đối thấp ở hướng nam và sẽ lặn sau đó vài giờ.
AQUARIUS (Bảo Bình/Người mang nước)
Trong nhiều nền văn hóa, Aquarius đều có liên quan đến nước. Người Babylon coi đó là hình ảnh của một cái bình tràn nước,và họ kết nối nó với những trận mưa nặng hạt trong tháng suốt 11. Trong khi đó người Ai Cập cổ lại tôn vinh chòm sao này là Hapi, thần của sông Nile. Còn với người Hy Lạp, Aquarius chính là chàng trai Ganymede trẻ đẹp. Thần Zeus yêu mến bèn sai một con đại bàng (chòm Aquila) xuống bắt Ganymede lên trời để hầu rượu cho các vị thần. Từ đó, hình ảnh của chàng trai trở nên bất tử giữa bầu trời sao.
Dù vị trí nổi bật trên đường Hoàng Đạo và kích thước tương đối lớn, Aquarius vẫn chỉ là chòm sao kém nổi bật, không có sao nào sáng. Một cách để tìm chòm sao này là hãy thử xác định chòm Pegasus (Phi Mã/Ngựa trời) khá sáng ở ngay bên cạnh Aquarius trước.
PISCIS AUSTRINUS (Nam Ngư/Cá Phương Nam)
Nằm ngay cạnh Aquarius và Capricornus là một chòm sao tương đối nhỏ, Piscis Austrinus – Cá phương Nam. Nó mang cái tên này để phân biệt với hai con cá của phương bắc, tức chòm sao Pisces – Song Ngư. Trong thần thoại Hy Lạp, chòm sao này được khắc họa là một con cá khổng lồ đang đang uống nước do người mang nước Aquarius đổ xuống. Piscis Austrinus có một sao sáng nổi tiếng là Fomalhaut, nằm ở phần miệng cá. Đây là một sao ở độ sáng thứ nhất và sáng thứ 18 trên bầu trời. Có một điều thú vị, xung quanh Fomaulhaut có rất ít sao sáng, chính vì thế đôi khi nó được gọi là « ngôi sao cô đơn » nhất trên bầu trời. Có vẻ tìm Piscis Austrinus cũng không khó lắm, tuy nhiên vì là một chòm sao thiên cầu nam nên nó không bao giờ leo lên quá cao trên bầu trời của chúng ta.
PISCES (Song ngư/Hai con cá)
Nhắc đến truyền thuyết về chòm sao này, chúng ta sẽ tiếp tục quay lại với quái vật Typhon, thứ đã buộc thần Pan phải biến thành « con dê biển » (không hiểu sao người ta lại gọi là Dê biển (Sea goat) trong khi thần Pan lại nhảy xuống sông). Typhon được lệnh tấn công đỉnh Olympus, ngôi nhà của các vị thần. Lo sợ con quái vật, các vị thần lần lượt bỏ trốn trong đó có thần sắc đẹp Aphrodite và thần tình yêu Eros. Có lẽ chúng ta quen thuộc với cái tên Venus và Cupid hơn, tên của hai vị thần trong thần thoại La Mã. Chạy tới bờ sông, hai vị thần bèn dùng dây thừng buộc cả hai lại, sau đó biến thành hai con cá và nhảy xuống sông. Nhờ có sợi dây, hai người không bị lạc khỏi nhau và trốn thoát an toàn.
Pisces cũng như hai chòm sao Hoàng Đạo Aquarius và Capricornus kể trên, đều không có sao nào sáng nên việc nhận dạng là cả một thử thách. Tuy nhiên, Pisces cũng vẫn thường được nhắc tới vì hiện nay điểm Xuân phân đang nằm bên trong nó.
CETUS (Kình Ngư/ Cá voi)
Cetus là một chòm sao rộng lớn, nó đứng thứ 4 về diện tích trên bầu trời chỉ sau Hydra (Trường Xà), Virgo (Xử Nữ) và Ursa Major (Đại Hùng)
Dù thường được hình dung là một con cá voi, tuy nhiên trong nhiều trường hợp người ta tưởng đó là con quái vật bị anh hùng Perseus tiêu diệt khi chàng trên đường giải cứu công chúa Andromeda khỏi tay con quỷ có bộ tóc rắn Medusa độc ác.
Chúng ta sẽ kết thúc câu chuyện về gia đình các chòm sao “chứa nước” tại đây, dòng sông Eridanus thơ mộng.
Dòng sông Eridanus quanh co, vươn dài vô tận thường được coi bắt nguồn từ các dòng sông có thật nổi tiếngtrên thế giới như Euphrates, Tigris, Po, Nile, Ebro, Rhine và Rhone. Ngay cả sử gia Homer cũng ngụ ý Eridanus như “một dòng biển uốn quanh Trái Đất”. Nhưng ở đây chúng ta sẽ nhắc đến một huyền thoại có kết thúc buồn có liên quan đến Phaeton, con trai của thần Mặt Trời Helios. Phaeton còn rất trẻ, nhưng anh rất khao khát được một lần thử lái cỗ xe Mặt Trời của cha xuyên qua bầu trời. Đây là một việc cực kì khó và cần nhiều sức mạnh. Sau nhiều gần thuyết phục, Helios miễn cưỡng đồng ý cho dù vẫn rất lo lắng. Và quả thực tai họa đã xảy ra. Do chưa đủ khả năng điều khiển hai con ngựa thần kéo xe, Phaeton suýt làm cả thế giới đóng băng khi bay quá cao, sau đó lại đốt cháy mặt đấy vì bay quá thấp. Khi thần Zeus, ông giáng một tia sét đánh vào cỗ xe ngựa. Phaethon bị chết ngay lập tức và rơi xuống dòng sông thần Eridanus. Cũng có truyền thuyết cho rằng Eridanus chính là con đường mà Phaeton đã lái xe đi qua trong hành trình liều lĩnh, nguy hiểm và thiếu suy nghĩ cuối cùng của cuộc đời anh.