Giống như trong các lĩnh vực khoa học khác, ngành thiên văn học không vắng bóng những người phụ nữ dũng cảm, thông minh và đầy nhiệt huyết. Họ đã góp phần không nhỏ để xây dựng nên nền thiên văn học mà chúng ta biết tới ngày nay. Hãy cùng điểm qua một số gương mặt nhà thiên văn thuộc phái nữ tiêu biểu và bày bỏ lòng biết ơn, cảm phục sâu sắc đến họ.

HYPATIA (sinh khoảng năm 350–370, mất năm 415): Bà dạy về thiên văn học và chiêm tinh học ở thành Alexandria. Hypatia cũng lập bản đồ các thiên thể trên bầu trời và có lẽ cũng là người phát minh ra thiết bị đo độ cao thiên thể (astrolabe).

Caroline Herschel (1750-1848), người Đức: Nhờ nỗ lực không ngừng nghỉ cùng với sự hướng dẫn tận tình của người anh trai, William Herschel-người đã phát hiện ra Thiên Vương Tinh, Caroline đã trở thành một trong những nhà thiên văn học nữ đầu tiên của nhân loại. Vào năm 1786, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên phát hiện ra một sao chổi và tiếp tục phát hiện thêm 7 sao chổi khác cùng với 14 tinh vân.

Maria Mitchell (1818 -1889): Bà là nhà thiên văn học chuyên nghiệp thuộc phái nữ đầu tiên của Hoa Kỳ. Năm 1847, sử dụng một kính thiên văn, bà đã phát hiện ra một ngôi sao chổi, mà sau này được đặt tên là “sao chổi của cô Mitchell”. Bà cũng nỗ lực không ngừng nghỉ để thúc đẩy giáo dục cho phụ nữ. “Không phụ nữ nào nên nói câu: Tôi chỉ là một phụ nữ”, bà viết trong nhật ký,”Mà là một người phụ nữ, đòi hỏi bạn cần nhiều hơn thế?”.

Williamina Fleming (1857-1911), người Scotland: Ban đầu, bà là trợ tá của nhà thiên văn học Charles Pickering, Flemming được Pickering thuê để thực hiện tính toán và giúp ông phân loại sao ở đài quan sát Harvard. Ngoài việc tham gia nhóm “Những cô gái của Pickering” nổi tiếng, bà còn phát hiện ra 10 tân tinh, 52 tinh vân, và 310 biến tinh cũng như sự tồn tại của một số sao lùn trắng. Năm 1906, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu chọn vào Hội Thiên văn Hoàng gia.

Annie Jump Cannon (1863-1941), người Mỹ: Trong số những người thuộc nhóm “Những cô gái của Pickering” là Annie Canon, chính bà đã phát minh ra một hệ thống phân loại sao đơn giản, được Ủy ban Thiên văn học Quốc tế sử dụng. Cùng với việc phân loại 350.000 ngôi sao, bà cũng phát hiện ra 300 sao mới. Cuối cùng, vào năm 1938, sau hơn 40 năm nghiên cứu, Harvard đã công nhận bà là một nhà thiên văn học chính thức.

Cecilia Payne-Gaposchkin (1900-1979), người Mỹ: Bà là người phụ nữ đầu tiên nhận bằng tiến sĩ thiên văn học của ĐH Harvard. Trong luận án, bà đề xuất rằng các ngôi sao được cấu thành chủ yếu từ Hidro và Heli, trái ngược với quan điểm lưu hành bấy giờ rằng Trái Đất và Mặt Trời có cùng cấu tạo hóa học. Các nghiên cứu khoa học sau này đã chứng minh rằng bà đã đúng.

Jocelyn Bell Burnell (1953), người Bắc Ireland: Vào năm 1967, khi đang là nghiên cứu sinh sau đại học, bà đã (độc lập với người khác) phát hiện ra tín hiệu vô tuyến của pulsar, đây được coi là “một trong những thành tựu khoa học quan trọng nhất của thế kỉ 20”. Tầm quan trọng của khám phá này đã được công nhận bằng giải Nobel năm 1974, tuy nhiên bà lại không nằm trong số những người nhận giải. Điều bất công này đã bị giới khoa học chỉ trích dữ dội.

Carolyn Shoemaker (1929), người Mỹ: Năm 1980, khi đã 51 tuổi, bà mới bắt đầu bước chân vào lĩnh vực thiên văn học, tập trung vào mảng tìm kiếm sao chổi và tiểu hành tinh. Cho đến nay, bà đang nắm giữ kỉ lục là người phát hiện và đồng phát hiện nhiều sao chổi và tiểu hành tinh nhất thế giới, với 32 sao chổi và trên 800 tiểu hành tinh (tính đến năm 2002).
Earthgrazer – Hội Thiên văn Nghiệp dư Hà Nội
Tham khảo và nguồn hình ảnh: Stuff Mom Never Told You và Wikipedia