Sao Mộc – hành tinh thứ 5 tính từ mặt trời là hành tinh lớn nhất trong Thái Dương hệ, cách Mặt trời khoảng 800.000.000 km. Khối lượng của Mộc tinh bằng 70% tổng khối lượng của các hành tinh quay xung quanh mặt trời. Với cấu tạo gồm 84% là khí Hidro và 14% là khí Heli (2 chất khí chính cấu tạo nên mặt trời) khi đó nếu như thêm một chút điều kiện về nhiệt độ và khối lượng thì bản thân Sao Mộc sẽ tự tạo ra phản ứng nhiệt hạch, khi đó Mộc tinh và hơn 60 vệ tinh của nó sẽ tạo nên một hệ mặt trời mới ngay bên trong hệ mặt trời của chúng ta.
Với khối lượng của mình, sao Mộc như một cái “máy hút bụi” khổng lồ. Các Sao Chổi hay thiên thạch đi lang thang trong hệ mặt trời nếu gặp phải lực hấp dẫn khổng lồ của Sao Mộc sẽ bị hút lại hoặc bẻ hướng ra khỏi hệ, bảo vệ cho các “đàn em” hàng tinh ở vòng trong. Theo như ước lượng của các nhà khoa học thì xác xuất Sao Mộc bị các thiên thạch và Sao Chổi tấn công lớn hơn gấp 8000 lần so với Trái đất.
Hình ảnh so sánh kích thước của Sao Mộc so với các hành tinh trong hệ Mặt Trời.
Có độ sáng biểu kiến cực đại lên tới – 2,94, Sao Mộc là thiên thể sáng thứ 3 trên bầu trời sau Mặt trăng và Kim tinh. Độ sáng này trên lý thuyết ở những nới có điều kiện tối phù hợp có thể tạo được bóng.
Với tính chất đặc biệt của mình, Sao Mộc có một vai trò rất quan trọng đối với đời sống của con người trên Trái Đất. Ở các nước phương Tây, Sao Mộc được đặt tên là Jupiter. Theo thần thoại La Mã thần Jupiter là vị thần quan trọng nhất trong số các vị thần. Còn ở các nước phương Đông (trong đó có Trung Quốc, Nhật Bản, Việt Nam…) Sao Mộc còn được gọi với cái tên là Sao Thái Tuế – một trong những vì sao quan trọng nhất trong đời sống tinh thần của người Á Đông.
Đối với chúng ta, những người yêu thiên văn thì quan sát Sao Mộc luôn luôn tạo đến một cảm giác thú vị. Chỉ cần thời tiết ủng hộ thì chúng ta có thể dễ dàng tìm thấy Sao Mộc trên bầu trời 10/12 tháng trong năm với một vị thế là một trong những ngôi sao sáng nhất trên bầu trời với màu vàng đặc trưng. Ngoài ra, với một chiếc kính thiên văn nhỏ thì bạn hoàn toàn có thể chiêm ngưỡng 4 vệ tinh tự nhiên lớn nhất của sao Mộc (được nhà thiên văn học Galileo Galile phát hiện năm 1610) và vết đỏ lớn ở gần khu vực xích đạo của sao Mộc (thực ra là một cơn bão đã hoạt động ít nhất là hơn 300 năm nay) có kích thước gấp rưỡi trái đất.
Hình ảnh: Vết đỏ lớn – Bảo “Great Red Spot” trên Sao Mộc.
Nguyễn Tất Doanh
Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội – HAS