10 kính thiên văn tiêu biểu của mọi thời đại

0
5944

Nhân dịp Liên hợp quốc chọn năm 2009 làm Năm thiên văn, trang tin khoa học PopSci bình chọn 10 kính thiên văn tiêu biểu của mọi thời đại giới thiệu với độc giả.

‘Đôi mắt’ Gemini

Hai mắt bao giờ cũng tốt hơn một, vì thế các nhà khoa học đã lắp đặt hai đài quan sát ở cách xa nhau cả một đại dương để có cái nhìn bao quát về bầu trời.

Đôi kính thiên văn quang học hồng ngoại Gemini, vẫn được gọi là “đôi mắt” Gemini gồm: chiếc kính phía Nam được đặt ở độ cao hơn 2.700m so với mực nước biển trên dãy núi Andes ở Chi Lê; chiếc kính phía Bắc (trong ảnh) nằm trên đỉnh núi lửa đã tắt Mauna Kea, Hawaii, nơi có bầu khí quyển tuyệt vời cho việc quan sát bầu trời đêm.

Hiện, nhiều nhà khoa học thuộc 7 quốc gia cùng quản lý hai chiếc kính này. Ở mỗi đài quan sát có một phòng thổi khí để vệ sinh bề mặt tráng bạc của gương cầu để tăng khả năng thu nhận ánh sáng hồng ngoại.

Đài quan sát châu Âu phương Nam (ESO)

Dãy kính thiên văn Very Large Telescope (VLT), “lá cờ đầu” trong các đài quan sát ở châu Âu

Có đường kính 3,5m, New Technology Telescope là chiếc kính thiên văn đầu tiên trên thế giới có gương cầu chính được điều khiển bằng máy tính. “Quần thể kính thiên văn” thuộc sự quản lý của Đài quan sát châu Âu phương Nam, nằm trên sa mạc Atacama của Chi Lê. Ở đây, ESO còn có dàn thu các bước sóng milimet và dưới milimet Atacama (ALMA). Đây là đài quan sát cao nhất trên mặt đất và cũng là đài quan sát thiên văn vô tuyến tiên tiến nhất.

Đài quan sát thiên văn vô tuyến quốc gia Mỹ (NRAO)

Hệ thống kính thiên văn Verry Large Array (VLA).

Đài quan sát NRAO quản lý các kính thiên văn Green Bank, Very Large Array (ảnh trên), Very Large Baseline Array và cả chiếc kính ALMA (đã nhắc tới ở trên).

Các nhà khoa học vừa sử dụng số liệu từ chiếc kính Green Bank để tìm kiếm tần số của các phân tử trong vũ trụ. Còn cái tên Very Large Array đã nói lên kích thước to lớn của dàn kính thiên văn vô tuyến này: 27 ăng ten vô tuyến, mỗi cái nặng 230 tấn và có đường kính 25m.

Hệ thống kính này, nằm ở sa mạc phía nam Socorro, New Mexico, Mỹ trải rộng trên một diện tích 57 km vuông.

Cặp kính “âm, dương” Chandra và Spitzer

Kính thiên văn hồng ngoại Spitzer được đặt theo tên cha đẻ của kính thiên văn không gian, Lyman Spitzer.

Nổi tiếng chỉ sau kính thiên văn không gian Hubble, hai kính thiên văn không gian Chandra và Spitzer được trông đợi quan sát được những nơi mà trước đây con người chưa hề nhìn tới.

Kính thiên văn tia X Chandra có quỹ đạo hình elip quay quanh Trái Đất, cho chúng ta cái nhìn tốt hơn về những vùng tập trung mật độ năng lượng lớn trong vũ trụ, những nơi mà rất có thể là tàn tích của một vụ nổ sao siêu mới. Những bức ảnh của Chandra đã giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các xung vũ trụ (pulsar, dạng bức xạ điện từ liên quan tới hoạt động hình thành và chết đi của các ngôi sao) và các tinh vân trong vũ trụ.

Ngược lại, kính thiên văn không gian Spitzer (trong ảnh) cung cấp cho các nhà khoa học hình ảnh của các “vật thể lạnh” (so với các sao thông thường) trong vũ trụ, bao gồm các sao nhỏ và các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời.

Kính thiên văn không gian Corot và Kepler

Hai kính thiên văn này, một của Pháp, một của Mỹ, đang tìm kiếm sự sống trong các vùng quanh các ngôi sao nơi nhiệt độ cho phép nước tồn tại ở thể lỏng.

Kính thiên văn Kepler của NASA (trong ảnh) vừa được đưa lên vũ trụ vào tháng 3. Corot là kết quả từ sự hợp tác giữa Cơ quan không gian châu Âu và Trung tâm quốc gia về nghiên cứu không gian Pháp.

Từ khi được phóng lên tháng 12/2006, kính thiên văn này đã công bố nhiều phát hiện lớn, trong đó có phát hiện một hành tinh nhỏ gần bằng nửa Trái Đất, cách rất xa chúng ta, quay quanh một ngôi sao giống Mặt Trời với chu kỳ 20 giờ!

Đài thiên văn W. M. Keck

 
Nằm trên núi Mauna Kea ở Hawaii, đang giữ ngôi vị là hai chiếc kính thiên văn quang học và hồng ngoại lớn nhất thế giới

Hai chiếc kính thiên văn đường kính 10m, nặng 300 tấn này trở nên nổi tiếng vì cả thiết kế lẫn những phát hiện của nó.

Mỗi gương phản xạ chính được ghép bởi 36 miếng lục giác phối hợp với nhau như một gương cầu (sản phẩm cụ thể của phát minh mang tính cách mạng trong kỹ thuật chế tạo các thiết bị cỡ lớn), đã giúp các nhà khoa học có nhiều phát hiện quan trọng: Sự tồn tại của các thiên hà ở rìa vũ trụ; Nghiên cứu các vụ nổ sao siêu mới; Xác định tốc độ giãn nở của vũ trụ; Bản chất của vụ nổ tia gamma và gần đây nhất là về các hành tinh và các ngôi sao ngoài hệ Mặt Trời.

Đài thiên văn đỉnh Wilson

Từ khi đàn la kéo tấm gương 60 inch lên đỉnh núi cho đến những đêm lạnh giá, Edwin Hubble khai mở tri thức nhân loại về vũ trụ, đỉnh Wilson là nơi đã chứng kiến sự thay đổi của các kính thiên văn hiện đại và trở thành một trong những “di tích” quan trọng nhất trong lịch sử khoa học.

Trong thời gian gần 100 năm, đỉnh Wilson chứng kiến kính thiên văn 60 inch của George Ellery Hale định hình cho thiên văn học hiện đại (nay dùng để phân loại quang phổ các sao), nay bị thay thế bởi 1 chiếc kính 100 inch đặt ngay bên cạnh.

Sử dụng chiếc kính mới (trong ảnh), Edwin Hubble đã nhìn ra những thiên hà ở rất xa và vũ trụ đang giãn nở. Tốc độ giãn nở này phù hợp với lý thuyết về Vụ Nổ Lớn.

Trước đây, đỉnh Wilson từng là nơi quan sát bầu trời hàng đầu thế giới. Nhưng ô nhiễm ánh sáng từ thành phố Los Angeles dưới chân núi khiến các nhà khoa học phải đi tìm các địa điểm khác ở phía Nam…

Đài quan sát Palomar

 Kính thiên văn 200 inch của Hale ở Palomar đã giúp cách mạng thiên văn học hiện đại, trong đó có kỹ thuật nấu thủy tinh.

Việc chế tạo đã ngốn gần một triệu USD (vào thời điểm 1934) mà vẫn không thể cho ra chiếc gương thạch anh đủ lớn. George Ellery Hale, người sáng lập đài quan sát ở Palomar đã phải quay ra thỏa thuận với hãng Corning ở New York, Mỹ về việc chế tạo một gương cầu đường kính 200 inch làm từ một hỗn hợp thủy tinh mới là Pyrex.

Sau ba phần tư thế kỷ, Palomar có những phát hiện mới. Năm 2007, các nhà khoa học đã công bố hệ thống thích nghi quang học mới để làm sắc nét các bức ảnh chụp tại Palomar.

Kính thiên văn Galileo

 

Một trong hai chiếc kính còn lại của Galile đã được trưng bày lần đầu tiên bên ngoài Italy, tại Viện Franklin, Philadelphia.

Galile không phải là người phát minh ra kính thiên văn, mà có thể cũng không phải là người đầu tiên dùng kính thiên văn lên quan sát bầu trời. Nhưng thiết kế của chiếc kính thiên văn do ông chế tạo cho phép quan sát bầu trời xa hơn bất kỳ ai trước đó. Những phát minh của ông đã gấy chấn động châu Âu thời đó.

Với chiếc kính thiên văn chế tạo năm 1609 của mình, ông đã quan sát Mặt Trăng, tìm ra bốn vệ tinh của Sao Mộc, quan sát một vụ nổ sao siêu mới, tìm ra vết đen Mặt Trời và xác minh các pha của Sao Kim.

Kính thiên văn Hubble

 Bước vào tuổi 18 với nhiều sự kiện quan trọng, kính thiên văn Hubble đã sống lại cùng với tên tuổi của nhà thiên văn học lớn nhất trong lịch sử. Sự ra đời khó khăn và những phát hiện nổi tiếng, thật khó có thể tìm ra một tiết bị khoa học nào khá có ảnh hưởng sâu rộng hơn Hubble.

Hubble đã khơi dậy được trí tưởng tượng của con người hơn bất kỳ một thiết bị khoa học nào khác và có những phát hiện có một không hai, nguồn gốc của hơn 6.000 tài liệu nghiên cứu. Đây cũng là lý do mà nhiều người biết đến kính thiên văn Hubble hơn máy gia tốc hạt hay kính hiển vi điện tử quét, dù vai trò khai sáng của chúng là tương đương nhau.

Những thành tựu của Hubble suốt 18 năm qua gồm: Tìm ra tuổi của vũ trụ; Xác minh rằng năng lượng tối làm tăng tốc độ giãn nở của vũ trụ; Chụp ảnh các hành tinh ngoài Hệ Mặt Trời và xác định cấu tạo hóa học trong khí quyển của chúng.

Chương trình bảo dưỡng Hubble lần thứ 4 trong thời gian qua là chương trình bảo dưỡng cuối cùng của con người đối với Hubble và chiếc kính sẽ có thể hoạt động trong 10 năm nữa.

“Chúng ta đã làm được rất nhiều khi nhìn lại 400 năm về trước (thời điểm mà Galilei quan sát bầu trời bằng kính thiên văn). Hubble xứng đáng kế thừa kính thiên văn Galile, giúp chúng ta nhìn thấy những thứ mà trước đây chúng ta không thể thấy… Hubble đóng một vai trò vô cùng lớn trong việc thay đổi cái nhìn của con người về vũ trụ.” Frank Summers, nhà thiên văn học thuộc Viện khoa học về kính thiên văn không gian tại Baltimore cho biết.

 Phạm Vũ Lộc  -HAS biên dịch

Comments

comments

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here